Các công ty châu Âu và mối ràng buộc với uranium của Nga

05:30' - 16/05/2022
BNEWS Ngoài khí đốt, dầu mỏ và than đá, châu Âu cũng cần Nga (thông qua Công ty Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga - Rosatom) để vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov tại thành phố Murmansk, miền Bắc nước Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tháng này, công ty Synatom của Bỉ - chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân Doel và Tihange - sẽ nhận được một lô uranium mới. Đây sẽ là lô hàng cuối cùng, do hợp đồng giữa Synatom và nhà cung cấp Uranium One sắp kết thúc. Các nhà máy điện của Bỉ sẽ có đủ “nhiên liệu” để hoạt động cho đến năm 2025, thời gian dự kiến đóng cửa ban đầu nhà máy điện hạt nhân của Bỉ. 

Tuy nhiên, nguồn gốc của nhiên liệu này đang đứng trước nhiều thách thức. Nguồn cung uranium từ Kazakhstan và do Uranium One cung cấp, một công ty con của Rosatom. Điều này đã được Bộ trưởng Năng lượng Liên bang Bỉ, Tinne Van der Straeten, xác nhận trước câu hỏi của nghị sĩ Samuel Cogolati trước Quốc hội. Bộ trưởng nói thêm: “Đây sẽ là lần giao hàng cuối cùng. Synatom không còn bất kỳ hợp đồng nào ràng buộc với Rosatom và các công ty con”.

Thông tin trên cũng được Engie - nhà điều hành các nhà máy điện ở Bỉ - xác nhận, nhưng không thông báo về số lượng uranium dự kiến vào tháng Năm.

Bên cạnh sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga, Bỉ cũng có mối liên hệ với Nga thông qua việc mua uranium. Theo Bộ trưởng Năng lượng, 20% uranium nhập khẩu vào Bỉ cho các nhà máy điện đến từ Nga và 19,7% từ Kazakhstan.

Bộ trưởng Van der Straeten lưu ý số lượng uranium đến từ Nga hoặc từ các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nga vẫn còn đáng kể. Hai nhà máy điện của Bỉ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn uranium hàng năm. Và nếu không còn nhu cầu đặt hàng mới trong trường hợp đóng cửa vào năm 2025, câu hỏi về nhà cung cấp uranium sẽ nảy sinh nếu Chính phủ Bỉ và Engie đồng ý kéo dài tuổi thọ của hai lò phản ứng.

* Nhu cầu uranium của châu Âu 

Nga có lợi thế lớn là chủ động trong toàn bộ chu trình sản xuất uranium. Rosatom và một số công ty con đều có thể chiết xuất uranium tự nhiên, còn được gọi là “bánh vàng”, chuyển thành khí để vận chuyển và làm giàu uranium để có thể sử dụng trong nhà máy điện. Vì uranium tự nhiên chỉ chứa 0,7% uranium 235 và tỷ lệ này phải tăng lên từ 3-5% để có thể phân hạch được.

Theo báo cáo mới nhất của Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), 20,2% uranium của châu Âu đến từ Nga, nhà cung cấp lớn thứ hai sau Niger, 24% hoạt động chuyển đổi thông qua Rosatom và 26% hoạt động làm giàu của châu Âu diễn ra thông qua công ty con của gã khổng lồ này hiện cũng chịu trách nhiệm phát triển năng lượng hạt nhân quân sự.

Trong một số trường hợp, Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi bổ sung uranium vào danh sách các sản phẩm năng lượng theo đó cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Trong nghị quyết ngày 1/3, EP kêu gọi các nước thành viên chấm dứt mọi hợp tác với Nga trong lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt là với Rosatom và các công ty con.

Vào ngày 7/4, các nghị sĩ châu Âu kêu gọi "cấm vận toàn bộ và ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu, than, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga" và "khuyến khích mạnh mẽ các quốc gia thành viên ngừng mọi hợp tác với các công ty Nga trong các dự án hạt nhân hiện tại và mới".

Một số quốc gia đã lắng nghe thông điệp này. Ví dụ ở Thụy Điển, tập đoàn năng lượng khổng lồ Vattenfall đã từ bỏ việc mua uranium của Nga cho đến khi có thông báo mới. Mới đây, Phần Lan đã thông báo rằng họ sẽ kết thúc hợp tác với Rosatom trong một dự án xây dựng một đơn vị hạt nhân mới. Và tại Bỉ, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân (SCK-CEN) ở Mol đã đóng băng sáu hợp đồng thiết bị và dịch vụ đã ký với Nga trước đó trị giá 230.000 euro (243.000 USD).

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi từ phía Quốc hội, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa đưa ra lệnh cấm uranium. Rosatom không nằm trong số các công ty là mục tiêu mà các lệnh trừng phạt của châu Âu nhắm tới. Nghị sĩ Samuel Cogolati, người đã nghiên cứu kỹ vấn đề, nhấn mạnh: “Việc vun đắp mối quan hệ của chúng ta với Rosatom, ngay cả trong lĩnh vực dân sự, tương đương với việc cung cấp tài chính và củng cố kho vũ khí hạt nhân quân sự của Nga. Nếu chúng ta muốn bảo vệ lục địa châu Âu trước nguy cơ hạt nhân của Nga, chúng ta phải cắt đứt mọi quan hệ với Rosatom và nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga”.

 

* Điểm nổi bật về Rosatom

Rosatom, được thành lập vào năm 2007, là "cánh tay hạt nhân" của nước Nga. Đây là một tập đoàn khổng lồ bao gồm hơn 300 công ty hoặc chi nhánh và sử dụng hơn 275.000 công nhân. Điểm đặc biệt của Rosatom, khác biệt với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới, là một tập đoàn tích hợp tất cả các khía cạnh của việc khai thác năng lượng nguyên tử.

Tập đoàn này đảm trách nhiều khâu: Thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo trì và tháo dỡ các nhà máy điện hạt nhân; khai thác, chuyển đổi và làm giàu uranium để làm nhiên liệu hạt nhân; xử lý và quản lý chất thải; sản xuất đồng vị y tế hoặc nghiên cứu; quản lý hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga…

Atomenergoprom, chi nhánh hạt nhân dân dụng của Rosatom, khai thác hạm đội hạt nhân của Nga, bao gồm 38 lò phản ứng, cùng với 3 lò phản ứng đang được phát triển với tổng công suất chỉ hơn 30 GW, sản xuất 20% nhu cầu điện của Nga.

Rosatom cũng là một trong những nhà xây dựng chính của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, với 34 lò phản ứng ở các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó  9 lò đang hoạt động ở khắp nơi như Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Ai Cập, bao gồm cả ở châu Âu (Hungary, Slovakia).

Tuy nhiên, công ty vừa mất hợp đồng xây dựng một lò phản ứng ở Phần Lan. Gã khổng lồ Nga cũng là công ty duy nhất vận hành hai lò phản ứng mô-đun (hay SMR, dành cho "lò phản ứng mô-đun nhỏ"), được lắp đặt trên tàu Akademik Lomonosov đang neo đậu tại cảng của thị trấn Pevek nhỏ bé của Siberi.

Tuy nhiên, Rosatom không chỉ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân dụng mà cũng chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2018, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sirpi) ước tính năm 2016 chỉ có dưới 100.000 nhân viên Rosatom làm việc trong bộ phận hạt nhân quân sự của công ty.

Theo Sirpi, phần lớn nhân viên này làm ở 10 “thành phố bị cấm”, được gọi là “các cơ sở hành chính lãnh thổ khép kín”. Hoạt động này vẫn được giữ bí mật tuyệt đối. Rosatom không đề cập đến hoạt động quân sự của mình trên trang web hoặc trong các báo cáo hàng năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục