Các công ty Trung Quốc tiếp tục chi phối thị trường xuất khẩu thế giới

05:00' - 06/09/2020
BNEWS Các công ty xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò chi phối trên thị trường thế giới, bất chấp tác động từ đại dịch và các lệnh hạn chế thương mại của Washington.

Trong bài viết đăng trên nhật báo Sydney Morning Herald, nhà phân tích Keith Bradsher cho biết “cỗ máy xuất khẩu” Trung Quốc được cho là sẽ chững lại trong năm nay do ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện vào tháng Một khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất của cường quốc thứ hai thế giới bị tê liệt. Tiếp theo là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định mở rộng danh mục áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đồng thời, Nhật Bản và Pháp cũng hối thúc các công ty bản địa chuyển dịch sản xuất ra khỏi các khu phân xưởng lớn nhất thế giới ở châu Á. Nhưng bất chấp các đánh giá mang chiều hướng tiêu cực, trong vài tháng gần đây, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã có "màn tái xuất" hết sức ấn tượng.

Vào cuối tháng Hai và đầu tháng Ba, khi các nhà máy ở Trung Quốc khôi phục sản xuất, xuất khẩu tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương. Cho tới tháng Bảy vừa qua, lĩnh vực này đã chứng kiến sự tăng vọt lên ngưỡng cao thứ hai từ trước tới nay, gần sát với kỷ lục đạt được vào dịp Giáng Sinh của tháng 12 năm ngoái.

Trong suốt mùa Hè năm nay, Trung Quốc đã giành được thị phần từ các quốc gia xuất khẩu khác trên toàn cầu, lớn hơn cả quy mô trước đại dịch, đưa nước này chiếm ưu thế tối đa trong thương mại toàn cầu, có thể kéo dài sang cả giai đoạn thế giới phục hồi sau đại dịch.

Cường quốc châu Á đang cho thấy rằng cỗ máy xuất khẩu của mình không thể bị ngăn cản - không phải do virus SARS-CoV-2 hay bởi Chính quyền của Tổng thống Trump.

Khả năng phục hồi của Trung Quốc không những nằm ở khía cạnh chi phí thấp, lao động có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng hiệu quả, mà còn ở cả hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát, đã cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ những khoản vay bổ sung kịp thời để đối phó với đại dịch.

Dịch bệnh COVID-19 cũng minh chứng một Trung Quốc có vị trí tốt hơn bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào khác. Nước này đang tạo ra những sản phẩm mà các hộ gia đình, các bệnh viện trên khắp thế giới rất cần vào lúc này: thiết bị bảo hộ cá nhân, sản phẩm cải thiện nhà cửa và rất nhiều các thiết bị điện tử sử dụng trong gia đình.

Trong khi đó, nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu có giá trị siêu cao như máy bay Boeing của Mỹ hay Airbus của châu Âu lại sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, hiện đều bị sa lầy trong những cuộc suy thoái và nhu cầu đối với phần lớn các loại hàng hóa có xuất xứ chủ yếu từ các nước đang phát triển đang đi xuống, đặc biệt là dầu mỏ.

Do phải dành nhiều thời gian ở trong nhà để tránh dịch bệnh, các gia đình trên khắp thế giới đang tranh thủ "tân trang" cho "tổ ấm" của mình. Họ mua mọi thứ từ màn hình máy vi tính và hệ thống loa âm thanh nổi, cho đến các dụng cụ điện và phòng xông hơi lắp đặt trong nhà - rất nhiều trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc.

Công ty nội thất Hongyuan Furniture ở phía Nam thành phố Quảng Châu, đã phải thuê thêm 50 công nhân, sau khi các đơn đặt hàng xuất khẩu thiết bị lắp đặt phòng xông hơi tại nhà của họ đã tăng gấp đôi trong năm nay. Cách thành phố Trung Sơn của tỉnh Quảng Đông một quãng không xa về phía Nam, công ty Star Rapid đang thu được những khoản lợi nhuận "kếch xù" nhờ hoạt động chế tạo vỏ robot và các loại sản phẩm mô hình công nghệ cao - một quy trình được gọi là tạo mẫu nhanh. 

Star Rapid cho biết, họ đã được hưởng lợi từ chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc. Chỉ trong vài ngày đầu khi đại dịch vừa xảy ra, một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã gọi cho ông Gordon Styles, Giám đốc điều hành và là chủ sở hữu người Anh của công ty, hối thúc Star Rapid đăng ký một khoản vay doanh nghiệp trị giá 1,4 triệu USD với mức lãi suất thấp, bất kể việc công ty này vẫn có lợi nhuận. Các quan chức Trung Quốc cũng cấp cho công ty một loạt ưu đãi về thuế và các khoản phụ phí nhà nước khác, chiếm tới 3% doanh thu của công ty.

Và cách một vài dặm về phía Tây của thành phố Quảng Châu, công ty Trueanalog đã tuyên bố sẽ không chuyển dịch hoạt động sản xuất các loại sản phẩm loa công nghệ cao, vốn chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ - thị trường chính của công ty, sang bất kỳ địa điểm nào khác, thậm chí cả những nơi có chi phí nhân công rẻ hơn.

Philip Richardson, chủ sở hữu người Mỹ của Trueanalog, nói: “Trung Quốc có chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới về các bộ phận cần thiết để chế tạo loa âm thanh và Trung Quốc cũng có lực lượng lao động ổn định với giá cả phải chăng nhất”.

Không những vậy, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc còn được hậu thuẫn nhờ vào việc đồng NDT luôn được giữ ở mức giao dịch ngoại hối yếu. Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đã thoát khỏi đại dịch với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thực tế, thì giá trị của đồng NDT vẫn yếu hơn so với với các loại tiền tệ phổ biến khác.

Đồng nội tệ của Trung Quốc chỉ mạnh lên một chút so với đồng USD trong vài tháng gần đây. Nhưng đồng NDT vẫn yếu hơn 6% so với đồng euro, kể từ đầu tháng Năm khi châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Các nhà kinh tế nước ngoài nghi ngờ rằng Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng biện pháp thắt chặt hệ thống tài chính trong nước để giữ cho đồng NDT ở mức thấp. Theo Brad Setser, một nhà kinh tế học tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, lời giải thích cho những gì mà đồng NDT đang thể hiện trong mùa Hè năm nay là các ngân hàng do chính phủ kiểm soát hoặc thuộc sở hữu nhà nước và các thể chế tài chính khác đã sử dụng một lượng lớn tài sản khổng lồ của họ, tham gia giao dịch thao túng tiền tệ bằng cách bán NDT và mua vào USD hoặc euro. 

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) lên tiếng tái khẳng định không thực hiện thao túng đồng NDT, nhưng xác nhận cam kết duy trì tỷ giá ổn định cho đồng nội tệ.

Tuy nhiên, trên thực tế, lợi thế của Trung Quốc không chỉ đến từ giá trị đồng nội tệ yếu, quốc gia này đã xây dựng được một mạng lưới tàu cao tốc chạy xuyên qua 700 thành phố chỉ trong vòng một thập kỷ. Trung Quốc cũng sở hữu nguồn lao động dồi dào và một văn hóa làm việc nhiều giờ liên tiếp...

Robert Gwynne, một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu giày dép ở tỉnh Quảng Đông, nhận định việc khôi phục khả năng cạnh tranh của Mỹ và các quốc gia khác để cạnh tranh lại với Trung Quốc sẽ không nhanh chóng hay dễ dàng. Ông nói để làm được điều đó sẽ mất 20-30 năm, phụ thuộc theo từng lĩnh vực kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục