Các xu hướng đầu tư xuyên biên giới giữa Mỹ và Trung Quốc

05:30' - 28/04/2021
BNEWS Các dòng vốn FDI thực tế có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng do sự cạnh tranh Mỹ-Trung và xu hướng chủ nghĩa dân tộc gia tăng.

Theo tạp chí The Diplomat, đánh giá về tác động của "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" dành cho giai đoạn 2021-2025 của Bắc Kinh đối với các xu hướng đầu tư xuyên biên giới giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia nhận định rằng, về mặt lý thuyết, kế hoạch này sẽ thúc đẩy các dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) song phương.

Trung Quốc cần sở hữu trí tuệ (IP), thiết bị tiên tiến và thị trường để hỗ trợ các nỗ lực không ngừng của nước này trong việc phát triển chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao năng lực công nghệ cao và đa dạng hóa thị trường. Dòng vốn FDI vào Mỹ có thể giúp thực hiện mục tiêu đó.

Trung Quốc cũng có thể đón nhận FDI để cải thiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo ra sở hữu trí tuệ, các quy trình và thiết bị tiên tiến. Điều đó cho phép Bắc Kinh cung cấp nhiều hơn và tốt hơn các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hậu cần; thúc đẩy phát triển ở những khu vực "lạc hậu" hơn; hỗ trợ tạo ra một nền kinh tế xanh hơn; và giảm bất bình đẳng.

Các công ty Mỹ có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực để cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực này. Về phần mình, các doanh nghiệp Mỹ bị thu hút bởi quy mô thị trường của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng của nước này, các chính sách FDI thuận lợi và sự phát triển tích cực trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, các dòng vốn FDI thực tế có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng do sự cạnh tranh Mỹ-Trung và chủ nghĩa dân tộc gia tăng của người Trung Quốc. Thực tế là đầu tư ra nước ngoài không phải là một "cuộc dạo chơi", hay các công ty đầu tư lo ngại rằng về nguy cơ dài hạn và các điều kiện kinh tế biến động.

* Nền kinh tế tự cường của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, nhìn bề ngoài Trung Quốc nên giảm FDI song phương. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, điều ngược lại có thể xảy ra. Trung Quốc cần thêm sở hữu trí tuệ, thiết bị tiên tiến và chuyên môn quản lý.

Bắc Kinh cũng cần tạo việc làm, mà thất nghiệp đã trở thành một vấn đề nổi bật do đại dịch COVID-19, và tăng thu nhập khả dụng vì cả hai điều này sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong việc biến nhu cầu trong nước thành động lực lớn hơn của nền kinh tế.

Các dòng FDI ra nước ngoài của Trung Quốc (OFDI) cũng như dòng vốn FDI lớn hơn của nước ngoài vào Trung Quốc (IFDI) có thể đóng góp vào những mục tiêu trên. Dù vậy Bắc Kinh rõ ràng sẽ không muốn "đầu tư quá mức" vào Mỹ hoặc phụ thuộc quá mức vào IFDI của Mỹ vì các lý do uy tín, an ninh quốc gia và chính trị khác nhau.

Nếu mối quan hệ Mỹ-Trung suy giảm đáng kể, thì có thể hình dung được Washington và các công ty của Mỹ sẽ trở nên nhạy cảm hơn với OFDI từ Trung Quốc và IFDI vào Trung Quốc. Hơn nữa, Washington có thể cảm thấy áp lực lớn hơn trong việc "tách rời" với Trung Quốc, khi đó thách thức càng lớn hơn vì chính sách tự cường của Bắc Kinh có thể gửi đi những tín hiệu tiêu cực đối với xu hướng quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

 

* Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Năm 2020, có quá nhiều tin tức thổi phồng về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều cuộc khảo sát kinh doanh của Phòng Thương mại và các số liệu thống kê về FDI cho thấy, việc cho rằng các dòng vốn FDI đang chảy hoặc sẽ chảy khỏi Trung Quốc là không đúng.

Thị trường khổng lồ của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới, chuỗi cung ứng ấn tượng, sự ổn định xã hội và các triển vọng kinh tế sẽ hỗ trợ sự hiện diện liên tục và mạnh mẽ của các công ty Mỹ ở Trung Quốc. Hơn nữa, "các bên thứ ba" như Campuchia, Malaysia và nhiều địa điểm đầu tư tiềm năng khác ở Mỹ đều có những thiếu sót khác nhau.

Tuy nhiên, các công ty đang cân nhắc việc di dời hoặc thuê lại chuỗi cung ứng vì họ nhận ra sự cần thiết phải tìm cách giảm thiểu rủi ro kinh tế và chính trị. Điều này cho thấy, những thay đổi đáng kể trong sản xuất ở Mỹ (ví dụ, thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc robot) cùng với những cải tiến về cơ sở hạ tầng và các động lực kinh tế có thể sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghệ theo cách thức mà chính trị không làm được.

* Thách thức và cơ hội với dòng vốn đầu tư Mỹ-Trung

Washington mong muốn đảm bảo các lợi ích chính trị và an ninh quốc gia của Mỹ, trong khi không làm giảm các lợi ích mà Mỹ thu được từ các dòng vốn FDI vào Trung Quốc hoặc OFDI của Trung Quốc vào Mỹ. Những tính toán này dựa trên các khía cạnh như lợi nhuận doanh nghiệp, giá hàng hóa rẻ hơn, vốn tài chính, kiến thức tích lũy và nguồn nhân lực.

Đối với các công ty Mỹ, đó là việc làm "hài lòng" hai chính phủ thường cạnh tranh, đối đầu với nhau. Mỹ thì kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, còn Trung Quốc cũng có biện pháp đáp trả nhằm chống lại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng cần đảm bảo vị thế của mình ở Trung Quốc trong khi đối phó với một chính phủ ngày càng đánh giá FDI qua lăng kính an ninh quốc gia, cần vốn FDI ít hơn trước và đánh giá FDI theo cách rất thực dụng.

Về phía Bắc Kinh, nước này mong muốn bảo vệ các lợi ích chính trị và an ninh quốc gia trong khi không ảnh hưởng đến những lợi ích mà Trung Quốc thu được từ các dòng vốn IFDI từ Mỹ hoặc OFDI của Trung Quốc ra nước ngoài. Các khía cách được quan tâm là việc làm, sở hữu trí tuệ, thiết bị tiên tiến, nguồn thu từ thuế và xuất khẩu.

Tất nhiên, các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề làm sao để Bắc Kinh và Washington cũng như công chúng Mỹ hài lòng, nhưng nhiệm vụ sau có vẻ sẽ khó khăn hơn.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức bởi những gì họ tìm kiếm thông qua FDI - thương hiệu, sở hữu trí tuệ công nghệ cao, tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng, sản xuất và tăng cường sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội tích trữ dữ liệu - là những lĩnh vực gây ra nhiều quan ngại nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục