Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp tự đổi mới để không bị “lão hóa”

12:28' - 30/05/2017
BNEWS Hiện phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, với nhiều doanh nghiệp được thành lập thông qua đổi mới sáng tạo.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thường xuyên đổi mới với những dự án khởi nghiệp. Ảhh minh họa: khoinghieptre.vn

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những doanh nghiệp hiện hữu phải liên tục đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế, trong đó liên kết với các trường, viện là bước đi phù hợp và tiết kiệm.

  “Tái khởi nghiệp” doanh nghiệp

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những lý do các doanh nghiệp ban đầu có thương hiệu và thị trường vững mạnh, nhưng ngày càng tụt lại phía sau, thậm chí phá sản, là do chậm hoặc không chịu đổi mới. Đồng thời, các doanh nghiệp trở nên “lão hóa” do thiếu nắm bắt xu thế công nghệ, đối tượng khách hàng.

Xác định rõ điều này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thường xuyên đổi mới với những dự án khởi nghiệp.

Trong đó điển hình như Tập đoàn FPT, Dragon Capital và Hanwha cùng góp vốn 2 triệu USD/đơn vị để thành lập Công ty cổ phần tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) hướng tới mục tiêu phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm tới.

Hiện tại, VIISA đã đầu tư được 7 dự án khởi nghiệp. Hay như Tập đoàn Hoa Sen tài trợ, cũng như hình thành nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong giới trẻ…

Ông Ngô Mạnh Dũng, Cố vấn kỹ thuật Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh (Công ty Nhất Tinh) chia sẻ, khi phát triển doanh nghiệp, Công ty lấy Kodak và Nokia làm bài học kinh nghiệm vì chậm đổi mới, ứng dụng trong khoa học công nghệ mà dẫn đến tụt lại, phá sản.

Công ty đưa ra chiến lược nghiên cứu trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì công nghệ phát triển quá nhanh nên vòng đời sản phẩm rút ngắn, cần thường xuyên đổi mới.

Cùng quan điểm trên, theo ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án cộng đồng khởi nghiệp Hoa Sen Group, việc thay đổi không đến đột ngột, mà doanh nghiệp cũng giống cơ thể, có sự “lão hóa” về khách hàng, tiếp cận khách hàng, sản phẩm – dịch vụ, triết lý kinh doanh, quy trình, nhân lực. Các mục này mà không thay đổi, chứng tỏ doanh nghiệp đang "gặp vấn đề".

Sau thời gian 10 năm hoặc 20 năm, doanh nghiệp hãy coi như bắt đầu từ con số không, cần phải “tái khởi nghiệp” doanh nghiệp. Đó là sự thay đổi về khách hàng, sản phẩm, bộ quy trình và cấp độ cao nhất là thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh để đáp ứng sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, thay đổi mô hình là quan trọng nhất.

Đơn cử cho sự đổi mới để phát triển là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco). Giai đoạn năm 2000 - 2004, Samco chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước các loại xe buýt, còn các sản phẩm khác hầu như không nghiên cứu và triển khai.

Nhận thấy nếu chỉ đơn giản một loại sản phẩm ít cạnh tranh cao trên thị trường thì rất nguy hiểm cho doanh nghiệp, Samco đã hình thành các nhóm nghiên cứu và đưa ra sản phẩm đáp ứng thị trường.

Đến 2016, Samco có rất nhiều sản phẩm như xe buýt, xe khách 29 chỗ, là những sản phẩm chủ lực của Samco với tỉ lệ nội địa hóa lên tới 40%. Đây là một trong những công trình đổi mới sáng tạo mang lại nhiều hiệu quả.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cho rằng, việc thay đổi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thật sự không đơn giản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do kinh phí chi ra cho lực lượng nghiên cứu không nhiều, nên các doanh nghiệp đã phải “lấy ngắn nuôi dài” theo lộ trình phù hợp.

Chẳng hạn như Công ty Nhất Tinh, vốn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và sản xuất, nhưng công ty chủ yếu tập trung cho thương mại, dịch vụ, trong khi sản xuất chiếm chưa tới 10%.

Theo ông Ngô Mạnh Dũng, công ty đã phải nhận diện thị trường và có lộ trình cho sản phẩm để xem cái gì cần và phát triển công nghệ, bởi không thể vội vàng trong lĩnh vực này; do vậy tập trung vào các sản phẩm thương mại, dịch vụ để nuôi đội ngũ R&D (nghiên cứu phát triển).

Công ty đã nghiên cứu, chế ra một số công nghệ tương đối để cung cấp vào các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, Hoa Kỳ tại các khu công nghiệp. Từ năm 2010 – 2013, công ty đã bắt đầu có lợi nhuận từ hoạt động R&D nên đã nâng cấp lực lượng này và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các máy móc lớn, hiện đại hơn. Hiện nay, Công ty đã đi sâu vào công nghệ nền.

  Liên kết doanh nghiệp với trường, viện

Để nâng cao năng lực nội tại, hiện nhiều doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ theo quy định, nhưng việc triển khai còn khá hạn chế. Như Samco, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ được thành lập 2013 với tỉ lệ trích quỹ khoảng 3 – 10% lợi nhuận trước thuế.

Hiện, nguồn quỹ này đang tồn dư trên 60 tỷ đồng, vì việc chi nguồn quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, đầu tư thiết bị nghiên cứu, hỗ trợ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… rất hạn chế.

Ông Nguyễn Tuấn Thành, Phụ trách Quỹ phát triển khoa học công nghệ Samco chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp trích Quỹ đều băn khoăn việc sử dụng và chi như thế nào cho hợp lệ, bởi đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng quỹ.

Do vậy, suốt thời gian dài, doanh nghiệp rất “đau đầu” vì trích mà sử dụng được. Doanh nghiệp muốn có thêm cơ chế mua sản phẩm, công nghệ của cá nhân, tổ chức và trả kinh phí từ nguồn quỹ này.

Bên cạnh phát triển nghiên cứu nội tại, các doanh nghiệp đã và đang tìm đến các trường, viện nghiên cứu để hợp tác nghiên cứu phát triển.

Điển hình là hợp tác của Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và Trường Hải Auto, Công ty Nhất Tinh; Đại học Bách khoa Hà Nội – Công ty cổ phần Rạng Đông; Tổng công ty Samco với các trường Đại học Bách khoa, Đại học Công nghiệp, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh...

Đây là hướng đi cần thiết do nguồn nhân lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp rất ít, cần có sự liên kết với các trường, viện.

Tuy vậy, ông Ngô Mạnh Dũng đánh giá, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường, viện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các nghiên cứu của trường, viện hiện vẫn khá xa rời thực tế hoặc không có tính ứng dụng cao do mức độ hoàn thiện để tạo ra sản phẩm còn thấp.

Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu này. Cần liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và nhà trường để thiết kế - sản xuất các sản phẩm có khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài những chính sách khuyến khích mở rộng mô hình hợp tác doanh nghiệp – trường, viện, nhà nước cần xác định và định hướng một cách cụ thể hơn nữa những sản phẩm và thị trường mục tiêu, tập trung vào những ngành khoa học công nghệ nền tảng để phát huy tiềm năng và thế mạnh trong nước.

Đồng thời, xác định rõ vị trí của mình trong bản đồ công nghệ khu vực và thế giới, định hướng để doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực phù hợp, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm./.

>>> BIDV dành 3.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp khởi nghiệp và siêu nhỏ

>>> Việt Nam nên chọn cái gì để khởi nghiệp, sáng tạo và khởi nghiệp thế nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục