Cách Trung Quốc vượt Mỹ thành đối tác kinh tế lớn nhất của Indonesia

06:30' - 08/01/2022
BNEWS Indonesia đã xích lại gần hơn với Trung Quốc so với Mỹ về thương mại hàng hóa và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thương mại của Indonesia với Trung Quốc đã tăng vọt sau khi “người khổng lồ” Đông Á này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng mạnh hơn sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) triển khai hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Theo cơ sở dữ liệu United Nations Comtrade, năm 2020, Trung Quốc chiếm 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia, tăng mạnh so với mức 4,45% vào năm 2000.

Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng lên gần 28% vào năm 2020 từ mức 6,03% vào năm 2000. Sự tăng trưởng này đã đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm từ mức 13,66% năm 2000 xuống còn 11,43% vào năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm từ 10,12% năm 2000 xuống còn 6,1% vào năm 2020.

Nhà kinh tế Andry Satrio thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho biết: “ACFTA là một trong những yếu tố chi phối khiến cán cân thương mại của Indonesia với Trung Quốc chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Khối lượng và giá trị thương mại của Trung Quốc cũng cao hơn so với Mỹ”.

Giá trị trao đổi thương mại giữa Indonesia - quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới - và Trung Quốc tăng khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Ngoài than, Trung Quốc cũng là điểm đến chính cho dầu cọ thô (CPO) - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia.

Indonesia và Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng hơn nữa trao đổi thương mại khi cả hai nước thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến trong tháng 1/2022. Hiện Trung Quốc đã phê chuẩn hiệp định này, trong khi Indonesia vẫn đang xem xét.

Hồi năm 2020, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết, chính phủ nước này đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại hạn chế với Mỹ nhằm thúc đẩy xuất khẩu với thuế suất thấp hơn. Kế hoạch này diễn ra sau khi Mỹ gia hạn ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Indonesia. GSP duy trì thuế quan đối với 3.572 mặt hàng ở mức 0%.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Indonesia hồi tháng 12/2021 để thúc đẩy quan hệ hợp tác và đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi việc can dự chặt chẽ hơn tại Đông Nam Á là điều quan trọng đối với lợi ích của họ, song việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại khu vực hồi năm 2017 đã hạn chế khả năng đưa ra các giải pháp khả thi thay thế cho Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục củng cố quan hệ với các nước trong khu vực.

Thương mại vaccine cũng góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Indonesia với Trung Quốc trong bối cảnh Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 bằng vaccine CoronaVac do công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech có trụ sở ở Bắc Kinh phát triển.

Theo dữ liệu tổng hợp của WTO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 11/2021, Trung Quốc đứng đầu trong số các quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19, chiếm tới 45% tổng nguồn cung toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 8,4%.

Theo ông Andry, đại dịch cũng cho thấy nguy cơ quá phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh “công xưởng” của thế giới này đã ngừng hầu như tất cả các hoạt động công cộng. Đầu năm 2020, ngành công nghiệp điện tử Indonesia đã bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc. Đây là một trong những rủi ro của hoạt động thương mại quá tập trung vào Trung Quốc.

Số liệu của Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) cho thấy Trung Quốc cũng vượt Mỹ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia trong năm 2020 với 904,34 triệu USD, cao hơn 47,55% so với FDI từ Mỹ. Theo Bộ Đầu tư, Trung Quốc Đại lục đứng thứ ba khi chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI vào Indonesia trong ba quý đầu của năm 2021, trong khi Mỹ ở vị trí thứ bảy.

Ông Josua Pardede, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Bank Permata, cho rằng sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Chính phủ Indonesia, chẳng hạn như thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nickel hạ nguồn. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cũng muốn Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong ngành sản xuất pin xe điện (EV).

Theo ông Josua, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào Indonesia để phát triển các nhà máy chế biến nickel để xuất khẩu trở lại Trung Quốc. Điều này cũng phù hợp với kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2060 của chính phủ Trung Quốc vốn sẽ liên quan đến việc sản xuất nhiều EV hơn.

Ông Josua khẳng định: “Trung Quốc và Mỹ đều có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, song chúng ta chỉ chứng kiến các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc trong ngắn hạn. Không loại trừ khả năng đầu tư từ Mỹ sẽ gia tăng trong tương lai”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục