Cấp thiết sửa Luật Đất đai nhưng không thể vội vàng

17:38' - 23/11/2023
BNEWS Việc sửa đổi và sớm thông qua Luật Đất đai 2013 được cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong ngóng. Việc sửa luật là cấp thiết nhưng cũng không thể vội vàng thông qua.

Với 453/459 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất. Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi là một trong những bộ luật được đặc biệt mong chờ, nhất là với bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay nhưng cả chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng không thể vội vàng.

Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự luật này vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

 

Cụ thể, dự luật còn 14 vấn đề cần cân nhắc phương án thực hiện như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng…

Trước những bất cập trong chính sách đất đai, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và sớm thông qua là điều cấp thiết, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong ngóng. Luật Đất đai được sửa đổi, quá trình chuyển dịch đất đai, biến đất đai thành công cụ tài chính sẽ được thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản khởi động và tái khởi động các dự án, tạo nguồn cung cho thị trường.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản đang ở đỉnh điểm khó khăn sau nhiều năm tăng trưởng nóng thì việc hoàn thiện chính sách đất đai càng quan trọng. Bởi đây là cơ sở pháp lý tháo gỡ các “nút thắt” tồn tại lâu năm, hỗ trợ thị trường được khơi thông nguồn cung. Đồng thời, giúp khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và đưa thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Do đó, dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, nếu thông qua mà các điều kiện cụ thể trong luật không những không giải quyết được vấn đề đặt ra mà còn phát sinh thêm nhiều vấn đề mới, thì thà “chậm mà chắc” vẫn hơn.

“Đơn cử như quy định, Nhà nước không thu hồi đất dự án thương mại mà chủ đầu tư phải tự thoả thuận thì sẽ chỉ gây khó hơn cho doanh nghiệp. Nhà nước đứng ra thu hồi đất còn không dễ thì để doanh nghiệp tự thoả thuận và thu hồi đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Khi đó, dự án tiếp tục bị “đóng băng” khiến nguồn cung ra thị trường không thể cải thiện” – ông Hiệp phân tích.

Bởi vậy, theo ông Hiệp, sửa đổi Luật Đất đai không thể chậm trễ nhưng cũng không thể vội vàng. Đặc biệt, đây là một đạo luật quan trọng thì cần phải hết sức cẩn trọng. Chất lượng luật vẫn cần đặt lên hàng đầu, thay vì thông qua sớm hơn vài tháng. Làm vội mà nội dung không phù hợp thì 10 năm sau mới sửa được. Hậu quả khi đó rất nặng nề.

Tuy nhiên, dư luận cũng e ngại việc lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vốn đang “khó chồng khó”. Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, Luật Đất đai đóng vai trò định hướng sự phát triển của thị trường nên việc chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Mặc dù vậy, ông Võ cũng đồng quan điểm, luật chỉ nên thông qua khi đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, giải quyết đúng và trúng những vấn đề mà xã hội và thị trường cần. Luật Đất đai sửa đổi chậm thông qua ngày nào thị trường bất động sản sẽ khó khăn thêm ngày đó nhưng không vì thế mà làm vội.

Hiện có quá nhiều vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa được thống nhất, chưa tìm ra được phương án tối ưu để giải quyết những điểm nghẽn trên thị trường tồn tại bao nhiêu năm qua. Do đó, hoãn lại việc thông qua Luật cũng là điều cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương cho biết, theo dự kiến sẽ có 1 kỳ họp gần nhất, có thể đầu năm 2024 để các đại biểu cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi. Nếu dự luật được thông qua vào kỳ họp đó thì vẫn có hiệu lực vào đầu tháng 7/2024 như đã định. Như vậy, cũng loại bỏ sự lo lắng về việc không đồng bộ với một số luật sửa đổi liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Thời gian qua, Luật Đất đai có quá nhiều vướng mắc tạo thành những điểm nghẽn tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, nếu thống kê thì Luật Đất đai có thể liên quan đến hơn 100 luật khác. Do đó, khi Luật sửa đổi có hiệu lực thì các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ; cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản tạo ra cơ chế thuận lợi, khoa học và thông thoáng hơn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tạo – Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng nhận xét, Luật Đất đai tác động đến toàn xã hội nên nếu không chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững. Hơn nữa, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình chứ không thể ngày một ngày hai, nhất là khi có vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Khi “đủ chín”, gần nhất là vài tháng nữa Luật Đất đai sửa đổi có thể được thông qua. Tinh thần và nội dung đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng cần chặt chẽ hơn nữa vì tác động của luật đến xã hội rất lớn. Toàn dân có tới hơn 12 triệu ý kiến góp ý cho dự luật này. Luật Đất đai được xây dựng mang tính bền vững, lâu dài với những điều hành vĩ mô chung nhất nhưng có “xương sống” định hướng. Các luật liên quan như Luật Nhà ở khi chín muồi thì vẫn thông qua đúng lịch chứ không nhất thiết phải chờ đợi hay sợ ảnh hướng về sự đồng bộ giữa các luật này – ông Tạo cho hay.

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi, gần nhất là vào năm 2013. Tuy nhiên, sau 10 năm, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển ngày càng phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, ách tắc thị trường bất động sản.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục