"Chảy máu chất xám" trong ngành công nghệ Trung Quốc
Trung tâm nghiên cứu Marco Polo thuộc trường đại học Chicago Mỹ mới đây làm một khảo sát về chuyên gia ngành trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, dựa vào số bài nghiên cứu được chấp thuận tham gia hội thảo AI hàng đầu thế giới NeurIPS năm 2019.
Trong đó, có 15.920 nhà nghiên cứu nộp 6.614 bài viết tham gia hội thảo với tỷ lệ chấp nhận là 21,6%. Marco Polo dựa vào số liệu của 21,6% bài viết được chấp nhận để khảo sát nghiên cứu tác giả của các bài viết, những người được coi là nhân tài AI hàng đầu thế giới.
Theo kết quả khảo sát, 59% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại các trường đại học và công ty Mỹ, 2/3 trong số này học cử nhân ở các trường đại học bên ngoài Mỹ. Điều này cho thấy, Mỹ là nơi thu hút nhân tài công nghệ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Đáng chú ý hơn, trong số các nhân tài công nghệ quốc tế hàng đầu đang làm việc ở Mỹ, đa phần đến từ Trung Quốc, 29% trong số này học bậc cử nhân ở Trung Quốc và số đông tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
* Nhân tài làm việc ở đâu và xuất xứ của họ?
Trong số nhân tài AI hàng đầu thế giới vẫn theo nguồn này, 59% chọn đến Mỹ làm việc, 11% chọn Trung Quốc. 29% nhân tài AI hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ chiếm 20%.
Khảo sát cũng quan tâm đến các thông tin quan trọng là các nhà nghiên cứu AI làm việc trong các trường đại học và công ty ở Mỹ đến từ đâu và bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp và có học vị Tiến sỹ (Ph.D) ở Mỹ.
Các số liệu khảo sát cho thấy trong số các chuyên gia AI đang làm việc trong các trường đại học và công ty của Mỹ, 27% đến từ Trung Quốc.
Còn các chuyên gia AI người Trung Quốc sau khi được đào tạo bậc cử nhân ở những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, số đông lựa chọn ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, để học tiếp chương trình sau đại học. Sau khi tốt nghiệp tiến sỹ ở Mỹ, 88% chọn ở lại Mỹ lập nghiệp, 10% trở về nước.
Trong số 25 trường đại học và công ty tập trung các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, Trung Quốc góp mặt Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Mỹ có 18 đại diện gồm Google, Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), UC Berkeley. Anh có đại học Oxford, châu Âu có 3 và Canada có 1 đại diện.
Thực tế này đã được tờ Bắc Kinh tuần báo của Trung Quốc xác nhận. Rất nhiều chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã sang Mỹ làm việc, tập trung trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Đại học Thanh Hoa được cho là tổn thất nhiều nhất.
Cuối tháng 4/2021, Viện khoa học Mỹ công bố danh sách các viện sỹ năm 2021, có 7 viện sỹ là người Hoa trong đó một người mang quốc tịch Trung Quốc.
Nhà khoa học Nhan Ninh là một ví dụ, cô đang là giảng viên của Đại học Thanh Hoa trước khi quyết định sang Mỹ định cư. Năm 2019, cô được bầu là Viện sỹ quốc tịch nước ngoài của Viện khoa học Mỹ và hiện được đánh giá là một trong những nhà sinh học hàng đầu thế giới hiện nay.
Một trung tâm nghiên cứu khác của Mỹ là Trung tâm an ninh và công nghệ mới (Center for Security and Emerging Technology) cho biết, năm 2018, tỷ lệ chuyên gia người Trung Quốc trong lĩnh vực AI sau khi lấy bằng Tiến sỹ chọn quay trở về Trung Quốc là dưới 10%.
Lý Phi Phi là trường hợp người Hoa điển hình thành danh ở Mỹ sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ ở Mỹ, cô là chuyên gia AI hàng đầu ở Google.
* Trung Quốc “xuất siêu”, Mỹ “nhập siêu”
Bức tranh chung về chảy máu chất xám ở Trung Quốc cũng được thể hiện trong một tạp chí về chính trị học. Theo phân tích của Berkeley Political Review công bố ngày 28/5, nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám nhân tài công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc với Mỹ “nhập siêu” và Trung Quốc “xuất siêu”.
Các lý do bao gồm những yếu tố chính như lương và đãi ngộ cao. Các trường đại học và công ty Mỹ trả lương cho chuyên gia công nghệ người nước ngoài với mức lương cao cạnh tranh và nhiều phúc lợi đi kèm là ưu thế nổi trội so với cùng vị trí khi họ làm ở những quốc gia khác, đặc biệt ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chất lượng và môi trường làm việc chuyên nghiệp, tự do sáng tạo, dễ dàng kết nối với thế giới (đặc biệt các quốc gia nói tiếng Anh), là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc cũng là yếu tố khiến các chuyên gia hàng đầu cân nhắc làm nơi lập nghiệp và sinh sống cho gia đình họ. Cuối cùng, một nghịch lý là chính sách nhập cư bị kiểm soát chặt của Trung Quốc khiến nhà khoa học nhập cư không thể xin được quyền định cư ở nước này.
* Ứng phó của Trung Quốc
Trung Quốc đã và đang tiến hành một số chính sách, trong đó có kế hoạch "Nước chảy về nguồn" hay "Chương trình 1000 nhân tài" là một ví dụ. Năm 2003, Trung Quốc đã thành lập Ban điều hành vấn đề nhân tài trung ương, tập trung giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.
Năm 2007, ông Lý Nguyên Triều, nguyên Bí thư tỉnh Giang Tô được đề cử là Trưởng ban tổ chức trung ương, sau đó làm Bí thư Ban bí thư. Sau ông được giao xây dựng Kế hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn và Kế hoạch thu hút nhân tài người Hoa xuất chúng thành danh ở nước ngoài, còn có tên Kế hoạch 1.000 nhân tài.
Nội dung của kế hoạch là, bắt đầu từ năm 2008, trong vòng 5-10 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ thu hút khoảng 2.000 người Hoa ở nước ngoài là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực khoa học công nghệ, về nước tham gia các dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vườn ươm công nghệ, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp nhà nước.
Tháng 12/2010, tại Quảng Châu, ông Lý Nguyên Triều giới thiệu Kế hoạch 1.000 tài năng trẻ nhằm thu hút 2.000 tài năng trẻ người Hoa dưới 40 tuổi trên khắp thế giới trước năm 2015. Theo thống kê, năm 2012, các chương trình tổng cộng thu hút được 3.319 người trên mọi lĩnh lực, năm 2014 vượt trên 4.000 người.
Tính đến năm 2018, chương trình thu hút khoảng 7.000 người tham gia. Những người tham gia chương trình đều làm việc toàn thời gian ở Trung Quốc, khi về nước được nhận khoản tiền ổn định cuộc sống ban đầu.
Trong quá trình làm việc, họ sẽ nhận các khoản kinh phí nghiên cứu hàng triệu nhân dân tệ từ ngân sách trung ương và địa phương, được cung cấp phòng thí nghiệm, đội ngũ hỗ trợ nghiên cứu.
Bên cạnh đó, người trúng tuyển còn được nhận rất nhiều phúc lợi khác như ưu tiên mua nhà, tiền lương cho vợ/chồng, tiền học cho con, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cả gia đình.
Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục triển khai chương trình tuyển dụng những nhân tài người Hoa xuất chúng trên thế giới theo mô hình bán thời gian. Tham gia chương trình này, ứng viên vẫn giữ công việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng về nước tham gia những dự án sáng tạo khoa học công nghệ trong nước.
Theo thống kê, năm 2011, có 374 Hoa kiều về làm trong các trường đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc (99 người làm toàn thời gian, 275 người làm bán thời gian), chiếm 74,7%. 45 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp nhà nước (36 người làm toàn thời gian, 9 người làm bán thời gian, chiếm 9%. 82 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp tư nhân (73 người làm toàn thời gian, 9 người làm bán thời gian), chiếm 16,4%. Chương trình này còn mở rộng cho cả các nhà nghiên cứu quốc tịch nước ngoài không phải người gốc Hoa.
Yêu cầu cơ bản đối với những người trúng tuyển phải là giáo sư, chuyên gia cao cấp trở lên, có danh tiếng trên thế giới trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của họ, đang làm việc tại những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Họ cũng có thể là các kỹ sư cao cấp hoặc nhân viên quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ hay tập đoàn tài chính lớn; những người sở hữu bằng sáng chế hoặc công nghệ tiên tiến.
* "Chảy máu chất xám" tự nhiên hay nhân tạo?
Với sự lớn mạnh nhanh chóng của các “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent, Bytedance, nhiều kỹ sư công nghệ và nhà khoa học người Hoa, đặc biệt trong lĩnh vực AI đã dần đầu quân về với những ông lớn công nghệ này.
Các công ty trên đều có trụ sở tại San Francisco, đội ngũ tuyển dụng của họ thu hút nhân tài người Hoa của Google, Facebook, Apple tại Mỹ bằng mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc nói tiếng Hoa, thậm chí căng-tin của công ty cũng cung cấp đồ ăn Trung Quốc. Sau một thời gian, nhiều người trong số họ về Trung Quốc làm việc với vị trí cao và đãi ngộ hấp dẫn hơn khi làm ở Mỹ.
Vì vậy, những năm gần đây xuất hiện xu hướng, nhiều chuyên gia và nhà khoa học lĩnh vực AI người Trung Quốc sau khi tốt nghiệp PhD ở Mỹ, ở lại Mỹ làm việc khoảng 5 năm sau đó quay về Trung Quốc làm việc.
Không thể bỏ qua yếu tố văn hóa trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp của người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa. Người Trung Quốc nói chung có tâm lý “lá rụng về cội”, sự gắn kết trong cộng đồng người Hoa ở nước ngoài rất mạnh. Nếu mức độ đãi ngộ phù hợp, họ luôn muốn về Trung Quốc làm việc và “cống hiến” vì tình cảm gắn bó nguồn cội.
Về phía Mỹ, ngày từ năm 2015, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã để mắt tới Chương trình 1.000 nhân tài của Trung Quốc. Đến năm 2018, FBI công khai việc bắt giữ các nhà khoa học người Hoa tham gia Chương trình 1.000 nhân tài với cáo buộc những người này hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ chuyển về Trung Quốc.
Phía Trung Quốc ngay sau đó đã xóa danh sách những người tham gia chương trình. Tháng 6/2018, Chính phủ Mỹ rút ngắn thời hạn visa học tập của du học sinh Trung Quốc theo học một số chuyên ngành nhạy cảm như công nghệ thông tin, AI, vũ trụ… từ 5 năm xuống còn một năm.
Tháng 9/2019, trên mạng xã hội Mỹ lưu truyền thông tin FBI đưa Chương trình 1.000 nhân tài của Trung Quốc vào diện trọng điểm điều tra, tiến hành điều tra từng người trong danh sách, nhiều người đã bị bắt. Đã có những kỹ sư công nghệ người Hoa từng làm việc cho Google, sau khi về nước đầu quân cho Baidu, ByteDance, Tencent nói, những ông lớn công nghệ Trung Quốc bắt chước rất nhiều mô hình quản lý và công nghệ của Google.
Từ ngày 18/4/2020, từ khóa Chương trình 1.000 nhân tài biến mất trên các công cụ tìm kiếm như Baidu, Sougou và mạng xã hội như Wechat, Weibo của Trung Quốc.
* Những biến động gần đây
Những biến động gần đây đối với người sáng lập Alibaba, Pinduoduo, ByteDance là rất đáng quan tâm. Ngày 10/9/2019, tỷ phú Jack Ma chính thức “nghỉ hưu”, bàn giao chức vụ Chủ tịch tập đoàn Alibaba, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
Alibaba không chỉ hoạt động mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, còn lấn sân sang thanh toán điện tử, tài chính, bảo hiểm… Một sự kiện gây chấn động khác là đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) của Ant Group - công ty tài chính của Alibaba bị tạm dừng.
Tháng 3/2021, Hoàng Tranh, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo nổi tiếng Trung Quốc đột ngột tuyên bố rút khỏi vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Pinduoduo. Ông từng học thạc sĩ chuyên ngành máy tính tại trường Đại học Wisconsin-Madison của Mỹ, sau khi tốt nghiệp đầu quân làm kỹ sư công nghệ của Google.
Năm 2006, ông Hoàng Tranh về nước tham gia thành lập văn phòng của Google tại Trung Quốc. Năm 2007, rời Google để khởi nghiệp, năm 2015 trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Pinduoduo. Tài sản hiện nay của ông Hoàng ước tính 46,3 tỷ USD.
Sự kiện mới nhất là ngày 20/5/2021, Trương Nhất Minh - người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng Tik Tok - tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí CEO của Bytedance vào cuối năm nay. Tài sản của ông Trương hiện ước tính 36 tỷ USD.
Các nhà quan sát quốc tế thường khó đoán những diễn biến ở Trung Quốc và nguyên nhân của chúng. Những biến động dồn dập xảy ra với các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc trong năm nay có phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang siết chặt hơn việc kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Diễn giải theo cách khác, phải chăng đang có chiến dịch “thay máu” ngành công nghệ ở Trung Quốc?
Không thể không cân nhắc tới những hệ lụy của biến động trên đối với giới kỹ sư chuyên gia công nghệ Trung Quốc. Liệu tiếp sau làn sóng người giàu rời Trung Quốc đi định cư ở các quốc gia phát triển, sẽ xuất hiện làn sóng chảy máu nhân tài công nghệ Trung Quốc đổ về các trung tâm công nghệ của thế giới như Mỹ, Anh và các nước châu Âu?./.
- Từ khóa :
- chảy máu chất xám
- trung quốc
- công nghệ trung quốc
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
EU muốn tái cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc
14:38' - 08/06/2021
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU muốn tái cân bằng mối quan hệ kinh tế ới Trung Quốc thông qua một thỏa thuận đầu tư.
-
Thị trường
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Năm tăng mạnh nhất trong 10 năm
15:35' - 07/06/2021
Trong tháng Năm, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 10 năm, do giá cả hàng hóa tăng, trong khi tăng trưởng xuất khẩu không đạt mức dự báo.
-
Ý kiến và Bình luận
Goldman Sachs: Trung Quốc có thể cấm nhập khẩu than từ Australia trong vài năm
09:59' - 07/06/2021
Ngày càng có thêm nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thể kéo dài lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Australia trong vài năm.
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia hợp tác với Trung Quốc triển khai các dự án ưu tiên
09:18' - 07/06/2021
Theo hãng thông tấn Antara, Chính phủ Indonesia đã tổ chức họp cấp cao với Chính phủ Trung Quốc nhằm thảo luận về chương trình hợp tác trong các lĩnh vực dự án ưu tiên, thương mại, kinh tế và đầu tư.
-
Kinh tế Thế giới
Lý do doanh nghiệp Hàn Quốc ngần ngại đầu tư vào Trung Quốc
05:30' - 07/06/2021
Các doanh nghiệp Hàn Quốc dường như không muốn mở rộng hoạt động đầu tư vào thị trường láng giềng Trung Quốc mặc dù nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa công bố mức tăng trưởng kỷ lục 18,3%.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Canada chọn địa điểm lưu trữ nhiên liệu hạt nhân vĩnh viễn dưới lòng đất
11:15'
Tổ chức Quản lý Chất thải Hạt nhân Canada (NWMO) ngày 28/11 cho biết, nước này đã quyết định chọn một địa điểm ở phía Bắc tỉnh Ontario để làm kho lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
-
Kinh tế Thế giới
Việt Nam tăng cường quan hệ với Canada, Singapore trong khuôn khổ CPTPP
11:03'
Ngày 28/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore.
-
Kinh tế Thế giới
Đại sứ Mai Phước Dũng: Việt Nam-Singapore thúc đẩy quan hệ ngoại giao nghị viện thực chất, hiệu quả
10:14'
Trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam-Singapore đang hướng đến tầm cao mới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 1-3/12.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẽ "hành động" nếu Mỹ tăng cường kiểm soát chip
10:12'
Ngày 28/11, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ thực hiện các “hành động cần thiết” để bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát chip.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ có thể gây áp lực lên nhiều nền kinh tế châu Á
21:55' - 28/11/2024
Những đe dọa thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ gây tổn hại cho nhiều quốc gia ở châu Á, vì các nước này phụ thuộc vào doanh số xuất khẩu sang Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế.
-
Kinh tế Thế giới
Tỷ phú Elon Musk kêu gọi giải thể Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng
16:18' - 28/11/2024
Tỷ phú Elon Musk, cố vấn quan trọng của chính quyền Mỹ sắp tới, đã kêu gọi giải thể Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB).
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc đạt đột phá lớn trong khai thác dầu đá phiến
15:06' - 28/11/2024
Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng của cơ sở sản xuất dầu đá phiến cấp quốc gia đầu tiên của Trung Quốc tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đã vượt hơn 1 triệu tấn trong năm nay.
-
Kinh tế Thế giới
Hyundai Motor sẽ đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy tại Malaysia
12:11' - 28/11/2024
Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor sẽ đầu tư 500 triệu USD vào xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Kulim, phía Bắc bang Kedah của Malaysia.
-
Kinh tế Thế giới
Một số ứng viên nội các của Tổng thống đắc cử Mỹ bị đe dọa đánh bom
11:43' - 28/11/2024
Trong những giờ qua, một số ứng viên nội các, cùng những vị trí trong chính quyền mới đã trở thành mục tiêu của các hành động đe dọa, trong đó có đe dọa đánh bom.