Chiều 25/3, vàng, dầu tăng giá trong khi chứng khoán suy yếu

16:49' - 25/03/2024
BNEWS Giá dầu châu Á bật tăng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Tương tự, đồng USD suy yếu khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng, trên thị trường chứng khoán châu Á, hầu hết các chỉ số đều đi xuống.

Giá dầu bật tăng

Giá dầu châu Á đã tăng trong phiên giao dịch chiều 25/3, do lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt bởi leo thang xung đột ở Trung Đông và Ukraine, trong khi số lượng giàn khoan dầu của Mỹ bất ngờ sụt giảm, làm tăng áp lực về giá.

Vào lúc 14 giờ 59 phút (theo giờ Việt Nam) giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn được giao dịch ở ngưỡng 85,82 USD/thùng, tăng 39 xu Mỹ so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đạt mức 81,03 USD/thùng, tăng 40 xu Mỹ.

Vào tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn này đều giảm giá hơn 1% so với tuần trước nữa, trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn, gây hạn chế đà tăng của giá hàng hóa.

Ông Hiroyuki Kikukawa, chuyên gia của NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities, cho hay căng thẳng địa chính trị gia tăng, các hành động quân sự nhắm vào các cơ sở năng lượng tại Nga và Ukraine liên tục xuất hiện, cùng với hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông giảm xuống đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm 1 giàn xuống 509 giàn trong tuần trước, cho thấy nguồn cung tương lai có khả năng sẽ bị thắt chặt.

Vàng lên giá

Giá vàng châu Á bật tăng vào phiên chiều ngày 25/3, trong bối cảnh các thị trường dần lấy lại niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ băt đầu tăng lãi suất kể từ tháng Sáu và đồng USD yếu đi khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.

Vào lúc 13 giờ 48 phút chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,1%, đạt mức 2.166,39 USD/ounce. Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.167,70 USD/ounce.

 

Chuyên gia Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại sàn giao dịch KCM Trade cho biết các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng hiện vẫn phát triển khá tích cực. Ông nói các thị trường vẫn đang mong đợi Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang “đặt cược” 74% xác suất là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. 

Các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần để đánh giá liệu số liệu mới có tác động đến kế hoạch của Fed trong việc hạ lãi suất ba lần trong năm nay hay không.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống còn 24,62 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2% lên 896,23 USD/ounce và giá palladium tăng 0,8% lên 993,37 USD/ounce.

Tại Việt Nam, trong phiên giao dịch chiều 25/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 77,90-79,90 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Chứng khoán châu Á đi xuống

Chiều 25/3, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm, do các nhà đầu tư lo ngại dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này có xu hướng tăng, làm chệch hướng kỳ vọng triển vọng lãi suất thấp hơn, trong khi nguy cơ can thiệp tiền tệ từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã cản đà giảm giá của đồng yen.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số chứng khoán toàn châu Á MSCI (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,2%. Chỉ số Nikkei 225 trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo bị mất 1,16%, tương đương 474,31 điểm, còn 40.414,12 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Sanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,71%, tương đương 21,73 điểm, xuống mức 3.026,31 điểm và chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong giảm 0,16%, tương đương 25,83 điểm xuống 16.473,64 điểm.

Cổ phiếu bất động sản là một trong số ít điểm sáng trên các sàn giao dịch của Trung Quốc trong hôm nay (25/3) sau khi Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ tối ưu hóa hơn nữa chính sách bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiềm năng một cách hiệu quả.

Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cũng đã hứa hẹn sẽ tạo ra một đợt tăng giá mới cho đồng nhân dân tệ, sau khi thiết lập một mức cố định vững chắc hơn cho đồng tiền này.

Vào tuần trước, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã bật tăng 5,6% lên mức cao kỷ lục khi đồng yen suy yếu. Theo công ty dịch vụ tài chính Matsui Securities, đà giảm của đồng yen so với đồng USD cũng có thể thúc đẩy hoạt động bán ra cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại hối hàng đầu Eisuke Sakakibara dự báo Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng yen giảm xuống mức 155-160 yen so với đồng USD, điều này càn trở đà giảm hơn nữa của đồng yen, ngăn chặn đà tăng của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 29/3 để có cái nhìn rõ nét hơn về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong những tháng tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước đã ngụ ý rằng nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng Sáu, với 74% cơ hội, theo đo lường của công cụ FedWatch, tăng từ mức 55% cơ hội ghi nhận vào một tuần trước đó.

Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 25/3, chỉ số VN-Index giảm 13,94 điểm (1,09%) còn 1.267,86 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,87 điểm (0,36%) còn 240,81 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục