Chuyên gia AMRO: Cơn bão hoàn hảo đẩy giá lương thực tăng vọt

05:30' - 31/10/2022
BNEWS Một lần mua sắm thực phẩm hiện nay tốn kém hơn nhiều so với một năm trước đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong bài viết đăng tải trên trang Theedgemarket (Malaysia), hai chuyên gia, Anthony Tan và Edmond Chiang Yong Choo đang làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+ 3 (AMRO, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và ba nước Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) đã chỉ ra một tập hợp bao gồm các nhân tố đã tạo thành một cơn bão hoàn hảo, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát.

Người tiêu dùng sẽ nhận thấy rằng một lần mua sắm thực phẩm hiện nay tốn kém hơn nhiều so với một năm trước đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra. Sự gián đoạn này sau đó trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giá năng lượng và nông sản toàn cầu tăng vọt.

* Giá lương thực tăng lên mức kỷ lục trên phạm vi toàn cầu

Giá thực phẩm bắt đầu tăng ở nhiều quốc gia vào cuối năm 2020, do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm, trong khi nhu cầu dự trữ hàng hóa đẩy nhu cầu lên cao. Trên khắp thế giới, sản xuất lương thực từ khâu trồng trọt đến phân phối bị hạn chế do tình trạng thiếu lao động và các nhà máy chế biến ngừng hoạt động.

Trong nửa cuối năm 2020, nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn xuất hiện khi nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, trong bối cảnh thế giới xuất hiện sau các đợt đóng cửa để phong tỏa và kiềm chế COVID-19. Việc nới lỏng hay dỡ bỏ hạn chế đã cho phép các hoạt động xã hội, như đi ăn hàng hay du lịch, tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi như Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022 đã gây ra hàng loạt cú sốc trực tiếp và gián tiếp tới thị trường hàng hóa, đẩy giá thực phẩm lên cao hơn nữa. Các quốc gia từng nhập khẩu lúa mỳ và ngô từ Ukraine làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nguồn cung.

Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn trên toàn cầu và quyết định gia hạn thời hạn thực hiện hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến hết năm 2022 đồng nghĩa với việc giá sẽ tiếp tục ở mức cao. Do phân bón là nguyên liệu đầu vào cần thiết để thúc đẩy năng suất nông nghiệp nên giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong vụ mùa tới.

Cuộc xung đột này cùng các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga cũng có tác động trực tiếp đến giá năng lượng và vận chuyển toàn cầu, làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã trở nên tương đối nghiêm trọng từ khi đại dịch bùng phát.

Đặc biệt, lệnh cấm xuất khẩu đối với một số nhà sản xuất nông nghiệp đã khiến nguồn cung hàng hóa toàn cầu như lúa mỳ và hạt có dầu giảm, đồng thời làm gia tăng tình trạng khan hiếm lương thực thô. Ngoài ra, những rủi ro lâu năm đối với sản lượng nông nghiệp như thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh gia súc cũng ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực toàn cầu trong hai năm qua.

* Các nền kinh tế ASEAN+3 chứng kiến lạm phát gia tăng mạnh

Tại một số nền kinh tế ASEAN+3, các chính sách như hạn chế xuất khẩu và các biện pháp bình ổn giá đã giúp làm giảm bớt tác động của việc tăng giá lương thực đối với lạm phát nội địa. Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam vẫn dựa vào các biện pháp kiểm soát hành chính để điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, bột mỳ và đường.

Tuy nhiên, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực và có tỷ trọng thực phẩm lớn hơn trong rổ tiêu dùng chung của các hộ gia đình đã chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn.

Tại Philippines, quốc gia nhập khẩu nhiều thực phẩm, lạm phát trong giai đoạn quý I-III/2022 có xu hướng tăng lên 5% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Lào và Myanmar, chỉ số lạm phát cơ bản cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao.

Việc đồng nội tệ của những nước này mất giá nghiêm trọng cũng đã đẩy giá thực phẩm lên cao. Tuy nhiên, lạm phát tổng hợp ở khu vực ASEAN+3 vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

* Các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng hành động

Lạm phát giá lương thực đã gây ra những lo ngại trong khu vực liên quan đến sự ổn định giá cả bao quát hơn và vấn đề công bằng xã hội, khiến các nước phải sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để ứng phó.

Lạm phát cao kéo dài có thể khiến các mục tiêu lạm phát không được kiểm soát, dẫn đến lạm phát cao trở thành vấn đề cố hữu của nền kinh tế. Điều này xảy ra khi người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng, khiến tiền lương và giá cả tăng song song.

Tình hình này đòi hỏi chính sách tiền tệ phải phản ứng mạnh mẽ hơn với các cú sốc lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực cần theo dõi chặt chẽ các kỳ vọng lạm phát và đảm bảo rằng chỉ số này được duy trì ở mức chấp nhận được, đặc biệt là ở các nền kinh tế mà lạm phát cơ bản đã vượt quá phạm vi mục tiêu lạm phát trong vài tháng qua.

Lạm phát giá lương thực ảnh hưởng đến người nghèo khó nhiều hơn người giàu. Chính sách tài khóa cần cung cấp sự hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, ví dụ dưới hình thức chuyển tiền tạm thời hoặc trợ cấp, để giúp những người này đối phó với môi trường giá cả tăng cao.

Các nỗ lực để kiềm hãm việc tích trữ cần tiếp tục triển khai. Về dài hạn, các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước và nâng cao hiệu quả phân phối lương thực có thể cần một khoảng thời gian để có thể phát huy hiệu quả, xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc về lương thực trong tương lai.

Những biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn lạm phát trở nên tồi tệ hơn, mang lại sự bảo đảm nhất định rằng những chuyến đi tới cửa hàng thực phẩm trong tương lai sẽ không còn quá đau đớn đối với ví tiền của người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục