Cơ hội cho lao động nước ngoài trong ngành vận tải biển Hàn Quốc

05:30' - 29/03/2024
BNEWS Một trong những vấn đề của vận tải biển Hàn Quốc là đảm bảo an toàn cho thuyền viên. Thuyền viên phải phối hợp để vận hành tàu một cách có hệ thống, quản lý hàng hóa và phục vụ hành khách an toàn.

 

Ngành vận tải biển một quốc gia được cho là sẽ bước vào giai đoạn suy giảm khi Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người vượt 20.000 USD. Trong khi đó, trên thị trường vận tải biển quốc tế, các quốc gia khó có thể chỉ cạnh tranh đơn thuần về chi phí vận chuyển mà còn cần kèm theo các gói dịch vụ. Điều này khiến hiệu quả quản lý tại Hàn Quốc bị hạn chế trong tình hình hiện nay, khi các chi phí tiền lương và chi phí hoạt động của các công ty vận tải biển tăng.

Ông Jeong Young-seok Jeong, Giáo sư Khoa Luật hàng hải, Đại học Hàng hải và Đại dương Hàn Quốc, mới đây có đăng bài phân tích cho rằng Hàn Quốc vẫn được định vị là quốc gia đẳng cấp thế giới về vận tải biển với đội tàu lớn thứ 6 thế giới. Hàn Quốc giữ được vị thế này nhờ là cường quốc thương mại nằm trong top 10 thế giới, cả về xuất và nhập khẩu, dù có GNI năm 2023 ước tính ở mức trung bình 33.000 USD.

Giao thông nội địa như đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc của Hàn Quốc đều rất phát triển. Tuy nhiên, Hàn Quốc là quốc gia có năng lực đóng tàu lớn thứ nhất nhì thế giới, với vai trò của vận tải biển không hề suy giảm. Dù nền kinh tế có phát triển đến đâu, Hàn Quốc cũng có một cơ cấu kinh tế không thể và không nên từ bỏ ngành vận tải biển với vai trò như một lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, một trong những vấn đề lớn trong vận tải biển Hàn Quốc là việc đảm bảo an toàn cho thuyền viên. Ngoài chuyên môn của kỹ sư hàng hải, thuyền viên của tàu phải phối hợp để vận hành tàu một cách có hệ thống, quản lý hàng hóa và phục vụ hành khách an toàn. Ngành vận tải biển Hàn Quốc đã phát triển từ mức thấp lên tầm đẳng cấp thế giới nhờ những thủy thủ xuất sắc. Tuy nhiên, khó khăn trong việc đảm bảo thuyền viên gần đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

Số liệu thống kê cho thấy, đội tàu quốc gia của Hàn Quốc có 9.863 tàu, với trọng tải 40.128.889 GT vào năm 2012 và giảm xuống 9.170 tàu (56.302.985 GT) vào năm 2021. Mặc dù số lượng tàu giảm nhẹ, tổng trọng tải lại tăng lên đáng kể (1 GT bằng 100 feet khối hay bằng 2,831 mét khối). Trong khi đó, số thuyền viên trên tàu quốc gia giảm từ 38.821 người năm 2006 xuống còn 32.510 năm 2021. Trong số đó, có 27.333 thuyền viên nước ngoài trên tàu, chiếm 45,7% tổng số thuyền viên trong đội tàu quốc gia.

Đảm bảo điều kiện nội trú và điều kiện làm việc, ăn ở trên đất liền cho đội ngũ thuyền viên là việc mà ngành vận tải biển cần phải quan tâm. Trong bối cảnh suy giảm dân số như hiện nay, Hàn Quốc cần có biện pháp hiệu quả để duy trì và thu hút những người trẻ tài năng tham gia vào ngành vận tải biển thông qua cải thiện mức lương, phúc lợi cao hơn và cải thiện điều kiện sinh hoạt trên tàu.

Khi các lĩnh vực kinh tế nói chung của Hàn Quốc đang đối mặt với khó khăn về thu hút nhân lực, ngành vận tải biển không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh, số thuyền viên người Hàn Quốc sụt giảm nhanh, việc tính đến nguồn nhân lực nước ngoài là biện pháp được xem là khả thi nhất. Tuy nhiên, khi điều kiện làm việc, tiền lương, phúc lợi của ngành đang ở mức thấp thì rất khó thu hút nhân lực người Hàn Quốc. Cơ quan hữu trách cũng cần tìm nhiều giải pháp tìm kiếm những thuyền viên nước ngoài xuất sắc và sử dụng họ.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Bộ Tư pháp Hàn Quốc bắt đầu triển khai dự án cấp thị thực cư trú theo vùng. Đây là dự án cấp thị thực cư trú cho người nước ngoài đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định, trong đó có đối tượng sinh viên quốc tế. Các đối tượng người nước ngoài đủ tiêu chuẩn có nhu cầu làm việc trong các lĩnh vực được phép tuyển dụng lao động nước ngoài ở những khu vực có dân số giảm sẽ được cấp thị thực cư trú và được phép đón các thành viên gia đình đi cùng để làm việc hoặc kinh doanh.

Tại Busan, khoảng 300 công ty vận tải nội địa được đặt tại khu vực Yeongdo và Seogu, những nơi được liệt vào khu vực suy giảm dân số. Việc kết hợp chính sách của chính phủ với những điều kiện ưu đãi ở địa phương sẽ là biện pháp hiệu quả để thu hút các lao động bản địa và người nước ngoài vào các khoảng trống nhân lực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục