Cuộc đua tìm nguồn tài trợ trong bầu cử liên bang Australia

05:30' - 24/03/2019
BNEWS Khả năng thất bại của Liên đảng Tự do/Quốc gia trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới không chỉ do tỷ lệ ủng hộ của cử tri suy giảm mà còn do thiếu nguồn tài trợ tranh cử.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là nhận định được đăng trên nhật báo The Australia trong bài viết của tác giả Peter van Onselen, Giáo sư chính trị tại Đại học Tây Australia và Đại học Griffith.

Bài hát trong vở nhạc kịch Cabaret năm 1966 có câu: “Đồng tiền khiến cả thế giới phải quay cuồng”. Câu hát này cũng đúng đối với các đảng chính trị. Mặc dù tiền không phải yếu tố duy nhất quyết định thành công hay thất bại, nhưng trong cuộc đua tranh khá ngang ngửa giữa các đảng lớn trong bầu cử hiện đại, đảng nào nhiều tiền hơn sẽ có lợi thế đáng kể.

Kết quả thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với hai đảng Tự do/Quốc gia và Công đảng phản ánh phần nào số lượng ghế có thể giành được và bị mất. Ví dụ, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Liên đảng chỉ còn được 46% cử tri ủng hộ, kém 8 điểm phần trăm so với Công đảng. 

Nếu theo kết quả này, Liên đảng sẽ mất ít nhất 18 ghế, từ 74/150 ghế trong Hạ viện xuống còn 56/151 (một ghế sẽ bị hủy trong cuộc bầu cử tới, thay bằng 2 ghế của hai khu vực bầu cử mới).

Mặc dù vậy, với tỷ lệ 46-54, chỉ cần 4/100 cử tri Australia thay đổi ý kiến trước ngày bỏ phiếu thì cuộc bầu cử sẽ trở nên bất phân thắng bại. Điều này giải thích lý do tại sao vẫn có những tình huống “đảo ngược tình thế”, chẳng hạn như thắng lợi của ông John Howard trước Mark Latham năm 2004.

Mặc dù vậy, điểm quan trọng là biến số giữa các kết quả bầu cử “long trời lở đất” ở cấp liên bang (1983, 1996, 2007 và 2013) mang đến sự thay đổi chính phủ và gần như bất phân thắng bại (1990, 2010 và 2016) không thật sự có ý nghĩa, chỉ là các tỷ lệ phần trăm.

Trong tất cả các trường hợp trên, cũng như hầu hết các cuộc bầu cử khác, đồng tiền và kỹ thuật vận động tranh cử mới giữ vai trò rất lớn trong việc quyết định đảng nào thắng, đảng nào thua. Điều này ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu ở cấp quốc gia, nhưng quan trọng hơn là có thể “xoay chuyển tình thế” ở các ghế chủ chốt.

Ở cấp vĩ mô, những yếu tố trên có thể lật ngược kết quả của các cuộc bầu cử khi hai bên khá ngang sức ngang tài như trong cuộc bầu cử năm 1998, khi một nhóm vận động tranh cử được tài trợ tốt và hiệu quả hơn đã giúp ông Howard giành chiến thắng khi chỉ nhận được sự ủng hộ của 48,9% cử tri, bằng cách giữ các ghế chủ chốt.

Nhiều tiền hơn và kỹ năng vận động tốt hơn cũng có thể giảm mức độ chiến thắng căn cứ theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Ví dụ năm 2007 khi Công đảng đối lập của ông Kevin Rudd đánh bại Chính phủ của ông Howard khi có được gần 53% tỷ lệ cử tri ủng hộ nhưng chỉ giành được 8 ghế đa số.

Cuộc bầu cử năm nay là nguy hiểm đối với Liên đảng bởi vì không chỉ kết quả thăm dò dư luận cho thấy Liên đảng có khả năng thất bại mà còn do động lực đang ở phía Công đảng và bất ổn thuộc về phía chính phủ. Thêm vào đó, tiền và thế mạnh vận động tranh cử cũng đang nghiêng nhiều về phía Công đảng.

Một loạt các yếu tố như vậy có nguy cơ gây thảm họa bầu cử cho Liên đảng. Tại cuộc bầu cử năm 2016, Liên đảng có 4 yếu tố quan trọng về tài trợ tranh cử mà bây giờ không còn nữa.

Thủ tướng là nhà tài trợ lớn nhất của đảng. Ông Malcolm Turnbull đã bỏ hơn 1 triệu AUD vào chiến dịch và ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khi có những ghế chỉ hơn được đối thủ có vài trăm phiếu, với một tỷ lệ đa số thấp nhất có thể. Vấn đề là tiền. Trong cuộc bầu cử tới, khó có khả năng ông Turnbull sẽ bỏ tiền tài trợ cho chiến dịch của ông Scott Morrison.

Thứ hai, Phó Chủ tịch đảng Tự do tại cuộc bầu cử trước đó, bà Julie Bishop - là người gây quỹ tốt nhất trong giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố nghỉ hưu và bị hạ nhục trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ lĩnh đảng cũng như cuộc đua tìm người thay thế mình, bà Bishop cũng sẽ không làm gì trong khoảng thời gian này.

Thứ ba, nghị sỹ Craig Laundy dự kiến sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tới, và có lẽ sẽ không gây quỹ (hay ít nhất có gây quỹ nhưng không nhiều) cho đảng Tự do. Trong khi thành viên giàu có nhất của Quốc hội là ông Turnbull đã rút lui. 

Ông Craig Laundy là người có khả năng thuyết phục mọi người bỏ tiền túi ra vì mục đích chính trị. Nhưng ông Laundy người đã đồng hành ông Turnbull trên con đường chính trị cho đến khi “cuộc đảo chính” trong đảng diễn ra, chắc giờ đây cũng không cần đặc biệt hào phóng với đảng.

Yếu tố cuối cùng là sự ra đi của nhà lãnh đạo Barnaby Joyce khỏi vai trò lãnh đạo đảng Quốc gia đã làm tê liệt khả năng gây quỹ của đảng này, cả trong ngành khai thác và từ các khoản tài trợ nhỏ của các cộng đồng nông thôn. 

Sự ra đi của ông Joyce khiến đảng Quốc gia mất đi “vũ khí” gây quỹ tốt nhất trong ban lãnh đạo của đảng, một điều thường bị lãng quên trong các cuộc tranh luận “chê bai” kỹ năng chính trị “bán lẻ” của ông Joyce.

Vấn đề lại càng trở nên tồi tệ hơn đối với Liên đảng gặp khó khăn về tài chính khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức ở các ghế an toàn từ các ứng cử viên thứ ba - những ứng cử viên độc lập và của đảng Xanh, những người đã chán nản với xu hướng nghiêng về phía cảnh hữu của chính phủ. 

Đối phó với những ứng cử viên như vậy, Liên đảng sẽ cần chi nhiều hơn cho những chiếc ghế vốn dĩ an toàn trước đây, phải rút bớt nguồn lực về người và của cho các cuộc đua vào các ghế bấp bênh.

Trái ngược với những khó khăn về tài chính của Liên đảng, phe đối lập của ông Bill Shorten được hỗ trợ rất lớn từ phong trào công đoàn do phong trào này có thể có được những thắng lợi về chính sách đối với các thành viên công đoàn và cho các mục tiêu tư tưởng lớn hơn nếu Công đảng giành chiến thắng. 

Thêm vào đó, "hương vị" của chiến thắng đang khiến cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu "ném" tiền cho Công đảng, theo đúng câu ngạn ngữ rằng “thành công có một ngàn người cha, thất bại là một đứa trẻ mồ côi”.

Do Công đảng được dự đoán sẽ giành chiến thắng, hầu hết những người trục lợi và các doanh nghiệp có thành công gắn liền với những quyết định của chính phủ đều muốn trở thành người bạn của ông Shorten, hoặc ít nhất tỏ ra rằng họ không quá thù địch với việc ông lên lãnh đạo đất nước.

Đối với Liên đảng, thất bại trong cuộc bầu cử tới còn là sự thất bại có tính thế hệ. Sau thất bại như vậy, nguồn lực của nó sẽ tiếp tục cạn kiệt. Đặc biệt là do thiếu một giai đoạn cần thiết để phe chính trị bảo thủ tự đánh giá lại mình kể từ những năm 1980.

Ông Howard khi nắm quyền luôn giới hạn các cuộc tranh luận về tư tưởng trong nội bộ đảng chủ yếu ở các vấn đề thực tiễn. Sau thất bại năm 2007, do Liên đảng đã nhanh chóng quay lại tập trung vào cuộc đua chính trị ở cuộc bầu cử tiếp theo, những chia rẽ được gạt sang một bên vì mục tiêu chiến thắng. Mặc dù không ai nói rằng Liên đảng không bị chia rẽ trong cả hai nhiệm kỳ nắm quyền, nhưng các rạn nứt bên trong sẽ trở nên sâu sắc hơn khi Liên đảng chuyển sang vị trí đối lập.

Bởi vì đó là khi sẽ diễn ra các tranh luận nghiêm túc về các định hướng tư tưởng, liệu có nên tiến hành thanh lọc hay đặt ra các định mức hay không, hoặc liệu sẽ tốt hơn cho đảng Quốc gia nếu tách khỏi liên minh khi ở vị trí đối lập.

Những cuộc tranh luận này có thể có lợi về lâu dài, đặt ra định hướng về tư tưởng cũng như mong muốn về sự thống nhất, nhưng trong ngắn hạn, chúng đang làm suy yếu Liên đảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục