Dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng tại châu Mỹ và Nam Á

10:17' - 13/06/2020
BNEWS Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng tại châu Mỹ và Nam Á, theo đó Mỹ và Brazil vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức trên 20.000 ca/ngày.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 9h sáng 13/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.732.485 ca, trong đó có 428.236 người tử vong.

Tổng cộng 3.956.272 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.887 và 3.294.090 ca đang điều trị tích cực.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng tại châu Mỹ và Nam Á, theo đó Mỹ và Brazil vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức trên 20.000 ca/ngày, trong khi Ấn Độ và Chile trải qua một ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Thống đốc các tiểu bang Oregon và Utah của Mỹ quyết định tạm dừng mở cửa trở lại trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh. Chính quyền bang Oregon thông báo 178 ca nhiễm mới trong ngày 11/6. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở tiểu bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.

Tiểu bang Utah tuần trước cũng ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất, với 556 trường hợp. Cả hai tiểu bang này hiện đang trong quá trình mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn nhưng sẽ không đẩy nhanh các giai đoạn này do sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Donald Trump - ông Larry Kudlow đã bác bỏ sự xuất hiện của đợt bùng phát dịch thứ hai. Ông Kudlow cho biết ông đã trao đổi với các chuyên gia y tế và họ khẳng định không bùng phát đợt dịch thứ hai.

Những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng trong phiên giao dịch ngày 11/6, trước khi hồi phục trong ngày 12/6.

Đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 2.116.922 ca mắc COVID-19, trong đó có 116.825 ca tử vong.

Tại Mexico, số ca tử vong do COVID-19 đã lên đến 16.448 trường hợp, tăng 504 ca trong vòng 24 giờ qua, trong khi số ca mắc là 139.196 người và 56.928 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người.

Chính phủ Mexico ngày 31/5 đã dỡ bỏ giãn cách xã hội sau 2 tháng triển khai và từ ngày 1/6 đã từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Trong khi đó, hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU) đã qua đỉnh dịch. Theo báo cáo mới nhất của EU, trong số các nước thành viên của khối chỉ còn Ba Lan và Thụy Điển chưa qua đỉnh dịch.

Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm dịch lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Tại các nước EU, tỷ lệ nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện là dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.

Từ ngày 16/6 tới Đức sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Theo đó, người dân Đức sẽ lại có thể tự do đến các nước thành viên EU cũng như một số nước như Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, tự do đi lại đang dần được khôi phục trong EU. Ủy ban châu Âu (EC) trước đó cũng đã kêu gọi nới lỏng các hạn chế đi lại giữa các nước thành viên EU kể từ ngày 15/6 tới, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới với khách du lịch đến từ các nước ngoài EU từ đầu tháng 7 do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang "có dấu hiệu cải thiện nhanh" ở nhiều quốc gia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã chuyển sang "chế độ làm việc đặc biệt" sau khi vợ ông - bà Olena có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ông Zelensky cũng được làm xét nghiệm nhưng có kết quả âm tính.

Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, Tổng thống Zelensky sẽ được kiểm tra y tế hàng ngày và sẽ "giới hạn phạm vi giao tiếp, tổ chức các cuộc họp trực tuyến". Theo đó, các cuộc gặp mặt trực tiếp liên quan giao tiếp cá nhân với Tổng thống sẽ bị hủy trong những ngày tới.

Đến nay Ukraine đã ghi nhận 29.753 ca mắc và 870 ca tử vong do COVID-19.

Tại Trung Đông, Iran trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 2.369 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 182.525 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 75 ca lên tổng số 8.659 ca.

Saudi Arabia ghi nhận 3.921 ca nhiễm mới trong ngày 12/6, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 119.942 người. Số bệnh nhân tại Qatar hiện là 76.588 người sau khi thêm 1.517 ca nhiễm mới.

Theo số liệu tổng hợp dựa trên thông tin từ Bộ Y tế các nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn khu vực Trung Đông có 11.208 ca tử vong trong số 524.433 ca bệnh. Trong khi đó, con số này ở châu Phi lần lượt là 5.904 ca và 217.590 ca.

Điều đáng quan ngại là đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nay đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát.

Với 1.442 ca tử vong, Ai Cập hiện là quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất do đại dịch COVID-19 tại châu Phi./.

>>>Dịch COVID-19: Hai bang tại Mỹ tạm dừng mở cửa trở lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục