Dịch vụ y tế của Anh "oằn mình" đối phó với dịch COVID-19

16:53' - 19/04/2020
BNEWS Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh đang “oằn mình” đối phó với dịch COVID-19 sau một thập kỷ thiếu hụt đầu tư kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

 

Giới quan sát cho rằng Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh, dù được Thủ tướng Boris Johnson mô tả là "trái tim" của đất nước, đang “oằn mình” dưới tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau một thập kỷ thiếu đầu tư kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông Elias Mossialos, Giáo sư chính sách y tế tại Trường Kinh tế London, nói rằng NHS đã luôn trong tình trạng khủng hoảng tài chính kể từ năm 2010. Chi tiêu dành cho NHS hiện ở mức tương đương 7,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh, gần như không đổi so với mức của năm 2012.

Giáo sư Mossialos cho biết việc gia tăng ngân sách cho NHS gần như “dậm chân tại chỗ” mỗi năm đã cản trở khả năng chuẩn bị và phản ứng với dịch COVID-19 của nước này.

Hiện nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của nước Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân, dù họ là những người trong tuyến đầu phòng dịch và chịu rủi ro lây nhiễm rất lớn.

Trước khi giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2019, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã cam kết tăng số tiền tài trợ của NHS lên 34 tỷ bảng (khoảng 41,9 tỷ USD).

Nhưng vì số tiền trên sẽ được dàn trải trong khoảng thời gian bốn năm cho đến năm 2024, lạm phát có thể “cắt bớt” một khoản lớn trong đó.

Chính phủ mới cũng đã cam kết hệ thống y tế sẽ có thêm 50.000 y tá và 6.000 bác sĩ thông qua ưu đãi tốt hơn và tuyển dụng mới.

Ngoài ra, thêm nhiều bệnh viện mới cũng đã được cam kết xây dựng, nhưng các dự án này sẽ chưa thể triển khai sớm.

Mặc dù những trải nghiệm gần đây của Thủ tướng Johnson có thể khiến ông “bơm” nhiều tiền hơn so với cam kết trước đó cho NHS, nhưng các chuyên gia nói rằng một vấn đề lớn khác nằm ở việc NHS đang phải vật lộn để tuyển dụng thêm nhân viên.

NHS, nơi tự nhận là nhà tuyển dụng lớn nhất châu Âu với đội ngũ nhân viên hơn 1,3 triệu người, hiện có khoảng 100.000 vị trí cần được tuyển dụng. Tình hình thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Ông Franco Sassi, Giáo sư chính sách y tế quốc tế tại Đại học Hoàng gia London, nói rằng chỉ tính riêng về y tá, Vương quốc Anh là một trong số rất ít quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận số lượng y tá suy giảm.

Còn theo Giáo sư Mossialos, số giường bệnh của NHS cũng bị thiếu hụt trầm trọng. Ông chỉ ra rằng số liệu của OECD cho thấy rằng Vương quốc Anh chỉ có 2,5 giường trên 1.000 người dân, thấp hơn đáng kể so với 6 giường trên 1.000 dân ở Pháp và 8 giường trên 1.000 dân ở Đức.

Về số giường chăm sóc đặc biệt, nước Anh chỉ có khoảng 6,6 giường loại này trên 100.000 dân – chỉ tương đương một nửa mức của Pháp và thấp hơn 5 lần so với ở Đức.

Vương quốc Anh hiện là một điểm nóng về dịch COVID-19 tại châu Âu. Theo số liệu của worldometers.info, đến sáng ngày 19/4 (giờ Việt Nam), tại Anh đã ghi nhận 114.217 bệnh nhân COVID-19, trong đó 15.464 người đã tử vong.

Trên phạm vi thế giới đã ghi nhận hơn 2,33 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 160.000 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục