Doanh nghiệp Đồng Tháp kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lao động

16:35' - 26/10/2021
BNEWS Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên trong khu vực ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 225 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau một thời gian phòng, chống dịch COVID-19, có hơn 27 nghìn lao động; trong đó có 155 doanh nghiệp thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, 23 doanh nghiệp thực hiện theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh đề nghị cần ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp để hoạt động trở lại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên trong khu vực ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, nên độ bao phủ vaccine tại các doanh nghiệp còn khá khiêm tốn. Trong các doanh nghiệp đã có hơn 19 nghìn lao động được tiêm mũi 1, có 2.299 lao động tiêm vaccine mũi 2.

Để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều thực hiện xét nghiệm đầu vào và mỗi nơi có ít nhất 1 nhân viên y tế theo dõi tình hình sức khỏe của người lao động.

Xác định yếu tố vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương đang tiếp tục rà soát, nắm lại nhu cầu vaccine của các doanh nghiệp đang hoạt động và ngừng hoạt động để có kiến nghị ưu tiên cho các đối tượng lao động, ngành nghề thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp… xác định yếu tố vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất tăng 30-40%; trong đó, việc “phủ sóng” vaccine được xem là điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất. Nếu không có vaccine thì các kịch bản phục hồi kinh tế đều khó thực hiện.

Sau khi tỉnh thực hiện nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu sản xuất trở lại. Tuy nhiên, điều kiện để tái hoạt động là người lao động phải tiêm vaccine từ 1 mũi đến 2 mũi hoặc phải xét nghiệm âm tính.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vaccine rất hạn chế, chi phí xét nghiệm cũng là một điều khó đối với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, khi tỉnh Đồng Tháp thực hiện xuống các mức giãn cách xã hội phòng chống COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phục hồi theo chiều hướng ngày càng mạnh mẽ. Hiện có trên 50% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất và đảm bảo sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ”.

Một điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp đã dần thích nghi với tình hình mới, tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi số và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế, Sở Công Thương tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vaccine, lao động, vốn... để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sản xuất trở lại, dự kiến đến hết quý IV sẽ có trên 400 doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục