Doanh nghiệp Việt – Nhật tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nông nghiệp

16:29' - 28/09/2016
BNEWS Hội thảo giao lưu giữa tỉnh Nghệ An với doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản về những sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức vào ngày 28/9.
Hội thảo giao lưu giữa tỉnh Nghệ An với doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản về những sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An. Ảnh: Jica

Phát biểu tại hội thảo, ông Kaioko, Phó Trưởng phòng Đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, tỉnh Nghệ An luôn coi việc nâng cao năng suất và giá trị gia tăng là vấn đề chủ chốt và từng bước khắc phục khó khăn tồn tại để thiết lập mô hình xây dựng chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.

Để nâng cao năng suất, JICA hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi đồng thời phối hợp quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp.

Ông Kaiko cũng cho rằng, để cung cấp các loại nông sản ra thị trường một cách liên tục, ổn định và có giá trị thì việc gắn kết từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối bằng hợp đồng sẽ là một cách làm hay.

Cũng theo ông Kaiko, để nâng giá trị nông sản và duy trì tới khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường cần áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trong khâu chế biến; hệ thống phân phối, quản lý tiên tiến bằng cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, việc nâng năng lực tiếp cận tới những thị trường đang cần các loại nông sản có giá trị cao cũng cần thiết.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Công ty Tsuno, đơn vị chuyên sử dụng cám gạo để sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau từ nguyên liệu này cho biết, sản phẩm của công ty chủ yếu là dầu ăn, mỹ phẩm. Trong khi đó, sản lượng cám gạo tại Nhật Bản ngày càng giảm.

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia trồng lúa vào diện nhiều nhất thế giới. Công ty quan tâm tới khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vì đây là vựa lúa của Việt Nam .

Bên cạnh đó, Tsuno cũng mong muốn hợp tác với các nhà máy xay sát tại tỉnh Nghệ An. Công ty kỳ vọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dầu cám gạo và các lĩnh vực khác như: cửa hàng tạp hóa, đại lý về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm... Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất dầu cám gạo thô, kết hợp công ty xay xát gạo… cũng được công ty này quan tâm.

Bài trình bày của Đại diện Công ty TNHH Kubota Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý của đại biểu tham dự hội thảo. Bởi đây là công ty chuyên cung cấp các loại máy phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp như: máy cấy lúa, máy gặt đập liên hơp.

Đại diện công ty cho rằng, Việt Nam nên dần chuyển đổi từ máy cày, máy kéo cũ sang các loại máy kéo mới để đạt năng suất cao hơn, giảm lao động trong nông nghiệp. Công ty cũng đề xuất tỉnh Nghệ An thực hiện mạnh mẽ hơn cơ giới hóa nông nghiệp.

Hiện Nghệ An canh tác hầu như 100% bằng máy cày động cơ, các loại máy kéo đã qua sử dụng. Việc cấy cày tại địa phương gần như chưa được cơ giới hóa. Theo đó, để việc cơ giới hóa đạt hiệu quả, giải phóng sức lao động các chính sách hỗ trợ từ chính quyền là rất cần thiết.

Bên cạnh việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, Công ty TNHH Watanabe Pibe Việt Nam đã đề cập tới mô hình Green House. Việc sử dụng mô hình này trong trồng trọt giúp giảm sâu bệnh, mưa bão, cản nhiệt mặt trời.

Công ty mong muốn tập trung bán sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc, mở rộng ra Đà Nẵng. Sản phẩm của công ty hướng tới từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cũng như hợp tác xã. Công ty sẽ hỗ trợ đối tác trong việc lắp ghép và bảo dưỡng.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp của Nghệ An cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hợp tác về kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực.

Công ty TNHH Xuân Thành giới thiệu tới doanh nghiệp Nhật Bản thế mạnh nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác tốt nhất. Hiện công ty có 2 sản phẩm chủ lực là cam tươi và mủ cao su. Trong đó, cam tươi có diện tích trên 800 ha; mủ cao su là xấp xỉ 500 ha. Sản phẩm cam của công ty có nhiều loại: cam Vinh, quýt chín sớm; q uýt PQ .

Thị trường mới tập trung chủ yếu trong nước, xuất khẩu còn hạn chế. Sản phẩm hiện đã có chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam . Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn trong mở rộng thị trường kinh doanh, nâng chất lượng sản phẩm; kỹ thuật.

Thông qua hội thảo này, công ty mong muốn có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản về kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ về bảo quản sản phẩm chế biến từ hoa quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục