EC dọa kiện chính phủ các nước EU từ chối nhận người tị nạn

13:00' - 03/03/2017
BNEWS Ủy viên châu Âu về Di cư, Nội vụ và Quốc tịch Dimitris Avramopoulos đã cảnh báo EC sẽ kiện các quốc gia thành viên EU từ chối tiếp nhận người tị nạn.
Ủy viên châu Âu về Di cư, Nội vụ và Quốc tịch Dimitris Avramopoulos tại cuộc họp báo ở Brussels ngày 2/3/2017. Ảnh: AFP

Ngày 2/3 tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu về Di cư, Nội vụ và Quốc tịch Dimitris Avramopoulos cho biết, Brussels sẽ đợi đến tháng 9/2017 để các nước nói trên hoàn thành nghĩa vụ trước khi bị kiện ra tòa án.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), mới có 13.546 người tị nạn - 3.936 người ở Italy và 9.610 người ở Hy Lạp - được điều chuyển tới các nước tiếp nhận ở EU, tương đương 8% so với kế hoạch đề ra hồi tháng 9/2015. Trong khi đó, kế hoạch của EU là tái phân bổ 160.000 người tị nạn vào các nước thuộc khối này trong vòng hai năm.

Có nhiều khả năng hệ thống phân bổ người nhập cư vẫn được tiếp tục thực hiện sau khi quá hạn vào tháng 9/2017 tới. Trong số 28 nước thành viên EU chỉ có Malta và Phần Lan là thực hiện đầy đủ cam kết theo hệ thống phân bổ người nhập cư.

CH Czech, Bulgaria, Croatia và Slovakia tiếp nhận người nhập cư rất hạn chế. Còn nước Anh ngay từ đầu đã khước từ tham gia việc tiếp nhận người nhập cư Bắc Phi và Trung Đông từ các trại tị nạn ở Italy và Hy Lạp.

Bình luận về con số ít ỏi người tị nạn được tiếp nhận ở EU, ông Avramopoulos cảnh báo rằng nếu từ nay đến tháng 9/2017 tiến trình tiếp nhận người tị nạn của các quốc gia EU không được đẩy nhanh, EC không loại trừ khả năng sẽ kiện chính phủ các nước không hoàn thành nghĩa vụ của mình ra Tòa án Công lý châu Âu.

Ông nói rằng “Từ trước tới nay một quyết định như thế không được xét đến. Chúng tôi đã tìm cách thuyết phục, nhưng bây giờ kiện ra tòa là một trong các phương án cần thiết“.

Theo hãng tin PAP, Ba Lan nằm trong số bốn nước thuộc EU chưa chịu tiếp nhận bất kỳ một người nhập cư nào cùng với Áo, Đan Mạch và Hungary.

Chính phủ Ba Lan biện luận rằng trong khuôn khổ tình đoàn kết châu Âu, nước này đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân theo cách khác như tham gia bảo vệ đường biên giới bên ngoài của EU và hỗ trợ về tài chính đối với các nước chịu sức ép về người nhập cư./.

>>>Hơn 65 triệu người phải di cư và tị nạn trong năm 2015

>>>LHQ chỉ trích EU "thiếu tầm nhìn" về khủng hoảng di cư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục