Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước?

11:34' - 20/11/2021
BNEWS Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 213/TTr-BTC trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Các bộ, ngành đều bày tỏ sự ủng hộ với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mà Bộ Tài chính đang đề xuất.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm, số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là hơn 19,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 7/2021, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các địa phương trọng điểm kinh tế đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ xe ô tô trong nước.

Theo đó, dự báo những tháng tiếp theo, bình quân sẽ phát sinh số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng.

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 213/TTr-BTC trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11 của năm 2021 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.

Dự thảo nêu rõ, trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trên tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai.

Doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, theo Dự thảo, chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn (bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong trường hợp không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 15/12/2021, cơ quan thuế vẫn thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng; nếu gửi giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 15/12/2021 thì không được gia hạn.

Theo dự thảo, cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong thời gian gia hạn, nếu có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng thì cơ quan thuế có văn bản gửi người nộp thuế về việc dừng gia hạn. Khi đó, người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn.

Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.

Trong thời gian được gia hạn, căn cứ giấy đề nghị, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn (bao gồm cả trường hợp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 15/12/2021.

Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho biết, theo phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ kỳ tính thuế tháng 10 đến kỳ tính thuế tháng 11, tổng số tháng sẽ gia hạn là 2 tháng, theo đó tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết số thu ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước vào ngày 30/12/2021.

Trước đó, góp ý với đề xuất của Bộ Tài chính, hầu hết các bộ, ngành liên quan đều nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, Bộ Ngoại giao nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kể cả các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chính sách trên, qua đó tạm thời có thêm nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, hỗ trợ người lao động.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống nhất với chính sách gia hạn này để hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính. VCCI cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài việc đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các thuế, phí, dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp ô tô còn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc duy trì sản xuất ô tô thành công tại Việt Nam cũng tiếp tục là cơ hội cho việc chuyển giao dần các công nghệ đa dạng, tiên tiến liên quan đến công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, nhụ cầu sản xuất mới, sửa chữa các phương tiện phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao chỉ có ngành công nghiệp ô tô phát triển mới đáp ứng được.

Chính vì vai trò và tầm quan trọng như vậy, VCCI nhận định nên Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế, phí ngay từ năm 2020 như chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2020, giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục