Giá khí đốt xuống thấp giúp nhiều nước châu Á bỏ dần nhiên liệu than

06:00' - 24/04/2020
BNEWS Lần đầu tiên giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại các thị trường ở Đông Á rẻ chỉ bằng than, một dấu mốc có thể khiến khu vực này sớm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nhiên liệu chủ chốt.
Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, ngay cả trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm đảo lộn thị trường năng lượng thế giới thì Chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc và Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu chuyển dần sang sử dụng các loại khí đốt tự nhiên sạch hơn. Kể từ tháng Hai, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến giá LNG xuống tới mức thấp kỷ lục và tạo điều kiện thuận lợi để các nước này có thể tiến hành kế hoạch  chuyển đổi năng lượng của mình nhanh hơn.

Ở Mỹ, khí đốt luôn ở mức giá khá cạnh tranh trong suốt thập kỷ qua nhờ nhiều mỏ khí tự nhiên được phát hiện và khai thác và cuối cùng chính khí đốt đã khiến nhiều công ty khai thác than rơi vào cảnh phá sản và phải trao lại cơ hội thị trường cho các đối thủ kinh doanh khí đốt. Giờ đây, những diễn biến tương tự đang diễn ra ở các nền kinh tế lớn nhất của Đông Á.

Đài Loan dự định tới năm 2025 sẽ sản xuất được một nửa sản lượng điện từ khí đốt và giảm tỷ lệ dùng than sản xuất điện xuống chỉ còn ít hơn 1/3 tổng lượng nhiên liệu cần để sản xuât điện. Điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện sản xuất ở Đài Loan vào năm 2017. Ông Fran Tseng, Giám đốc phụ trách mảng dầu khí công ty điện lực Taipower, cho biết trước đây Đài Loan sản xuất điện hoàn toàn từ than bởi đó là giải pháp rẻ nhất nhưng giờ tình hình đã thay đổi.

Tháng trước, Chính phủ Hàn Quốc đã tạm thời đóng cửa 28 trong tổng số 60 nhà máy nhiệt điện. Theo nguồn tin từ các công ty điện nhà nước và tư nhân ở nước này thì Hàn Quốc dự kiến đóng cửa thêm một số nhà máy nhiệt điện trong năm nay nếu giá khí đốt tiếp tục giảm nữa.

Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch sẽ chiếm lĩnh vị trí của Nhật Bản là nước nhập nhiều khí đốt nhất trên thế giới trong một vài năm tới.

Cách đây không lâu, ý tưởng chuyển sang sản xuất điện bằng khí đốt ở các nền kinh tế lớn của Đông Á vẫn còn khá phi thực tế bởi nguồn cung hạn hẹp và đắt đỏ. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan gần như không có trữ lượng khí đốt còn Trung Quốc có, nhưng không nhiều như trữ lượng than mà nước này sở hữu.

Khoảng 50 năm trước, Nhật Bản là nước đầu tiên nhập khẩu khí tự nhiên ở dạng hóa lỏng và chuyển hàng về nước từ nhiều nơi trên thế giới như Trung Đông, Đông Nam Á và gần đây nữa là Mỹ. Giá khí hóa lỏng cộng với chi phí vận chuyển cao đã khiến giá thành khí đốt đắt gấp nhiều lần so với than. Thế nhưng gần đây, các công ty sản xuất khí đốt đã mọc lên nhiều, kể cả ở những nơi xa xôi như Louisiana hay ngoài khơi Tây Bắc của Australia.

Nguồn cung dồi dào cộng với nhu cầu tiêu thụ giảm hẳn do đại dịch COVID-19 đã khiến giá khí đốt Nhật Bản/Hàn Quốc (Japan/Korea Marker - JKM), mức giá khí đốt chuẩn cho thị trường Đông Á, giảm tới 64% kể từ tháng Mười năm ngoái. Với mức giá khoảng 2,43 USD cho 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU), giá khí đốt đã giảm xuống thấp hơn cả mức giá 2,56 USD cho một đơn vị than tương đương tại thời điểm cuối tháng Ba.

Theo nhận định của chuyên gia Lucy Cullen thuộc công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, những thời điểm giá xuống thấp trước đây cũng không hẳn có nghĩa rằng nhu cầu sẽ tăng cao bởi phần lớn lượng khí đốt tiêu thụ ở Đông Á được nhập khẩu thông qua các hợp đồng dài hạn với giá gắn với mức giá dầu thô. Còn bây giờ, khi giá dầu đã giảm xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, chắc chắn nhiều nước sẽ chuyển sang dùng khí đốt thay thế than.

Từ những năm 2017-2018, Trung Quốc đã muốn chuyển từ điện than sang điện khí bởi chính phủ nước này muốn nỗ lực giảm ô nhiễm ở các thành phố lớn. Than chiếm 58% tổng năng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc vào năm 2018 trong khi tỷ lệ này là 72% vào thời điểm trước đó 10 năm, theo số liệu của công ty BP.

Ông Zhu Chen, Giám đốc công ty tư vấn dầu khí có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, trong năm ngoái, Trung Quốc đã rút lại thông điệp bài trừ than của mình một phần vì lo ngại sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, nhưng xu hướng gần đây lại cho thấy các công ty nhập khẩu lớn của Trung Quốc đang mua rất nhiều khí đốt. Lộ trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc có thể sẽ được làm rõ trong kế hoạch 5 năm của nước này dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm tới.

Trên thực tế, khí đốt cũng thải CO2 vào môi trường, nhưng mức thải chỉ bằng một nửa so với than, đó là chưa kể tới các loại khí thải khác vốn hiện nay chưa được chú trọng như sulfur (lưu huỳnh) hay mercury (thủy ngân) cho nên các nước vốn ô nhiễm liên miên như Trung Quốc càng cần phải cân nhắc.

Năm 2017, Bộ thương mại Hàn Quốc cho biết sẽ cấm xây dựng các nhà máy than mới và đóng cửa các nhà máy cũ hoặc chuyển đổi một số nhà máy sang dùng khí đốt. Hàn Quốc đã tăng thuế nhập khẩu than thêm 28% và cắt giảm tới 75% thuế nhập khí đốt, theo số liệu của Viện Phân tích Tài chính Kinh tế Năng lượng tại nước này. Theo số liệu phân tích của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng S&P Global Platts, lượng than nhập khẩu của Hàn Quốc năm nay ít hơn 20% so với mức nhập các năm trước trong khi lượng khí đốt nhập khẩu tăng mạnh.

Tại công ty điện lực Taipower của Đài Loan, điện sản xuất từ khí đốt hiện nay lần đầu tiên đã vượt điện sản xuất từ than.

Khí đốt hiện là nhiên liệu hàng đầu ở Nhật Bản, được dùng để sản xuất tới hơn 40% sản lượng điện và chắc chắn xu hướng này còn tiếp tục trong những năm tới bởi những quan ngại về môi trường sẽ khiến Nhật Bản không xây thêm nhà máy điện than nữa trong khi khả năng quay trở lại sản xuất điện hạt nhân là gần như không thể.

Cũng giống như ở Mỹ, việc chuyển đổi sang dùng khí đốt là chủ yếu chắc chắn sẽ lại khiến thị trường năng lượng toàn cầu rung lắc.

Công ty Glencore PLC, sở hữu tới 16 mỏ than ở Australia và là một trong những công ty than lớn nhất thế giới cho biết với tình hình giá hàng hóa nói chung thấp, bao gồm cả giá than, đã khiến hãng bị giảm tới 26% doanh thu trước lãi, trước thuế và trước khấu hao trong năm 2019. Xuất khẩu than của Mỹ cũng giảm 20% trong năm 2019, theo số liệu của liên minh xuất khẩu than thuộc Hiệp hội Mỏ than Quốc gia Mỹ. Chủ tịch hiệp hội, ông Rich Nolan, cho biết các công ty xuất khẩu than của Mỹ giờ đây phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh.

Tuy nhiên, những nước dựa chính vào năng lượng khí đốt cũng có khả năng rủi ro nếu tình hình thị trường xoay chuyển từ thừa sang thiếu trong một vài năm tới nếu không có đầu tư mới vào sản xuất khí đốt và trong trường hợp như vậy giá cả sẽ rất biến động.

Ông Nolan vẫn cho rằng than là nguồn nhiên liệu rẻ và ổn định có thể đảm bảo an toàn năng lượng và đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa.

Nhu cầu tiêu thụ than từ các nước đang phát triển có thể giúp các công ty sản xuất than đỡ lỗ được phần nào do tình hình mất thị trường ở những nước khác. Người phát ngôn của công ty Glencore đã trích dẫn một báo cáo hồi tháng Mười Hai năm ngoái của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong đó chỉ rõ rằng mặc dù than đang biến mất dần ở các nước phát triển nhưng than sẽ vẫn có chỗ đứng và thậm chí còn phát triển được ở nhiều nước đang phát triển ở châu Á.

Một số công ty hiện đang nỗ lực nhằm bình ổn nguồn cung khí đốt về lâu dài. Ví dụ công ty khí đốt Saibu của Nhật Bản đang cân nhắc một dự án trị giá 300 triệu USD nhằm biến kho chứa khí đốt ở miền Nam nước này thành trạm trung chuyển có thể chuyên chở khí đốt do công ty PAO Novatek của Nga sản xuất tới các khách hàng ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Người phát ngôn của công ty Saibu cho biết, với tình hình giá khí đốt ngày càng giảm, họ hy vọng châu Á sẽ có điều kiện chuyển sang dùng khí đốt nhiều hơn các loại nhiên liệu truyền thống khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục