Giải quyết vấn đề mất cân đối cung cầu thị trường bất động sản

14:50' - 28/10/2024
BNEWS Để làm rõ hơn về nguyên nhân giá bất động sản tăng “nóng”trong thời gian qua, giải pháp phát triển nhà ở xã hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Để làm rõ hơn về vấn đề giá bất động sản tăng “nóng”trong thời gian qua, giải pháp phát triển nhà ở xã hội, bình ổn cung cầu thị trường bất động sản, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) bên lề kỳ họp.

 

Phóng viên: Nhiều địa phương đang triển khai rất tích cực về nhà ở xã hội nhưng mỗi địa phương lại có những khó khăn và đặc thù riêng. Theo đại biểu, đâu là những tồn đọng khiến các địa phương gặp khó khăn trong triển khai?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng: Khó khăn nhất khi triển khai các dự án nhà ở xã hội của các địa phương là do hệ thống pháp luật hiện nay. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn hạn chế về tính thống nhất. Nhiều văn bản còn chồng chéo, chậm được tiến hành, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, quy định về quy trình, thủ tục.

Trong quá trình áp dụng, đa phần các địa phương vẫn gặp khó trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các luật, các nghị quyết trong việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt là việc quy hoạch quỹ đất triển khai dự án cũng như cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội.

 

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản đang mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Điều này đã cho thấy những bất cập gì trong quản lý thị trường bất động sản hiện nay, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng: Báo cáo Đoàn giám sát chỉ ra rằng, có hiện tượng mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu bất động sản. Về cơ cấu bất động sản, trong khi phân khúc cao cấp có giá cao được cung cấp ra thị trường quá nhiều thì lại thiếu phân khúc có mức giá phù hợp với những người thu nhập thấp, người lao động.

Ở đây có trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, đặc biệt là trong việc quy hoạch quỹ đất cho từng loại dự án. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa khai thác được các hình thức khác ngoài việc bán nhà hay cho thuê nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.

 

Phóng viên: Đại biểu đánh giá ra sao về tình trạng đầu cơ, thổi giá, làm méo mó thị trường bất động sản diễn ra vừa qua?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng: Rất nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề đầu cơ, thổi giá. Thực tế trong giai đoạn giám sát năm 2015 – 2023, đã có rất nhiều thời điểm xảy ra tình trạng này. Không những ở những khu vực nội đô, những trung tâm thành phố lớn mà ngay cả những khu vực ngoại thành; những khu vực xa thành phố cũng đã xuất hiện những hình thức đầu cơ thổi giá. Đặc biệt qua các phiên đấu giá đất, có thể thấy đang có hiện tượng một nhóm người, nhóm các tổ chức có sự liên kết với nhau để đặt giá cao. Sau đó, bỏ cọc để tạo mặt bằng giá mới, tạo cơn sốt ảo với thị trường bất động sản.

Hiện nay, Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao kết hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra để có chính sách phù hợp.

 

Phóng viên: Thực tế vẫn còn rất nhiều những dự án bất động sản bỏ không, lãng phí, trong khi người dân đang thiếu nhà ở. Theo đại biểu cần những chính sách gì để những dự án bỏ hoang này sớm được triển khai trở lại, hạn chế lãng phí nguồn lực?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi rất ủng hộ các đề xuất mới của Chính phủ xử lý tình trạng này. Rất nhiều các dự án bỏ hoang hàng chục năm gây lãng phí và có nhiều nguyên nhân, nhưng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có cả những nguyên nhân chủ quan. Đó là, do hệ thống chính sách pháp luật thay đổi rất nhanh, nhiều văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất, vẫn còn chồng chéo, vướng mắc.

Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét thông qua hai nghị quyết tháo gỡ việc này. Nghị quyết thứ nhất là cho triển khai tiếp các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra và đã có bản án của tòa án. Mặc dù, nhiều chủ dự án cũng đề xuất các phương án khác nhau, nhưng đây cũng là giải pháp rất hiệu quả để có thể triển khai tiếp các dự án còn bỏ hoang, tránh lãng phí.

Nghị quyết thứ hai liên quan đến phát triển dự án nhà ở thương mại. Đó là việc thông qua việc triển khai sử dụng đất và xử lý quyền sở hữu đất để có thể chuyển sang thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà không cần phải là đất ở như trong các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

Hai nghị quyết này nếu được thực thi tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung bất động sản ra thị trường sắp tới tương đối lớn và khả năng sẽ giải quyết được vấn đề khan hiếm, mất cân đối cung cầu trên thị trường hiện nay.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục