Hà Nội khắc phục tồn tại trong cấp phép và quản lý xây dựng

09:15' - 05/08/2024
BNEWS Với vị trí là đầu mối giao thông và giao lưu thương mại ở cửa ngõ phía Tây của thị xã Sơn Tây, UBND thị xã đã quan tâm tới quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép.
Tuy nhiên, qua thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng giai đoạn năm 2022 (từ 01/01/2022 đến 31/12/2022), Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra một số tồn tại yêu cầu các đơn vị chức năng của thị xã Sơn Tây phải khắc phục.

Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, năm 2022, thị xã cấp mới 582 giấy phép xây dựng (không có trường hợp cấp gia hạn, điều chỉnh, thu hồi); trong đó, có 157 công trình chưa khởi công; 424 công trình đã xây dựng, không có vi phạm về trật tự xây dựng.
 
Qua kiểm tra xác suất 100 bộ hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, Đoàn thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra những tồn tại mà trách nhiệm này thuộc Phòng Quản lý đô thị.

Cụ thể, về điều kiện cấp phép, theo Điều 91, 93 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 của Quốc hội quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ đô thị là "phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành"; điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn là "phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn". Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn thị xã Sơn Tây, các đồ án quy hoạch đang trong quá trình lập, không có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc được duyệt là nguyên nhân khó khăn trong việc cấp phép.

Về trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, Phòng Quản lý đô thị tổ chức kiểm tra thực địa đối với công trình yêu cầu cấp giấy phép chưa đúng thời gian theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định, kiểm tra thực địa).

Thực tế rà soát 76/100 hồ sơ cấp phép, việc tổ chức kiểm tra hiện trạng thực hiện quá hạn 7 ngày theo quy định. UBND thị xã Sơn Tây chưa công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp trên trang thông tin điện tử là chưa thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 55 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ. Ngoài ra, 88/100 hồ sơ có đơn xin đề nghị cấp phép ghi thiếu nội dung theo quy định tại biểu mẫu 01 - Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ. Cụ thể ghi thiếu nội dung diện tích sàn từng tầng; chiều cao từng tầng. 100/100 bản vẽ kèm giấy phép xây dựng (bản lưu hồ sơ cấp phép tại cơ quan cấp phép) được đóng dấu của cơ quan cấp phép theo mẫu dấu quy định nhưng chưa ghi đầy đủ các nội dung thông tin trên mẫu dấu.

Đối với quản lý xây dựng theo giấy phép, Đoàn Thanh tra kiểm tra hiện trạng xác suất 40 công trình đã đưa vào sử dụng thuộc địa bàn của 5 phường Ngô Quyền, Quang Trung, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Viên Sơn. Kết quả cho thấy, một số công trình xây dựng chưa đúng hồ sơ bản vẽ thiết kế cấp phép thuộc trường hợp người dân xây với diện tích mặt bằng nhỏ hơn và số tầng tầng thấp hơn so với thiết kế được cấp phép, thay đổi kiến trúc mặt tiền hoặc điều chỉnh từ mái bằng sang mái chéo (mái ngói).

Trách nhiệm trên thuộc Phòng Quản lý đô thị do chưa thực hiện trách nhiệm chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 104 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.

Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND các phường cũng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện các công trình xây dựng không đúng thiết kế giấy phép; chưa hướng dẫn người dân điều chỉnh giấy phép trong trường hợp phát sinh việc xây dựng thay đổi.

Đơn cử, một số công trình kiểm tra có diện tích xây dựng tầng 1 nhỏ so với diện tích cấp phép; thay đổi từ mái bằng (bê tông) sang mái chéo (mái ngói, mái tôn); hoặc có thay đổi kiến trúc mặt tiền (xây lùi vào trong đất để làm sân phơi, làm ban công). Tuy nhiên, các biên bản kiểm tra đều không ghi cụ thể chi tiết các kích thước hình học để đối chiếu với hồ sơ bản vẽ cấp phép, không có ảnh chụp hiện trạng, chỉ ghi công trình xây dựng đúng so với nội dung giấy phép xây dựng; cán bộ được phân công nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi địa bàn không yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công và làm thủ tục cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng là chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý.

Việc cán bộ theo dõi địa bàn lập biên bản kiểm tra kết thúc là biên bản kiểm tra tại thời điểm đổ xong sàn tầng mái (xong thô) là chưa chặt chẽ, không kiểm soát được giai đoạn hoàn thiện, kết thúc công trình đưa vào sử dụng. Trong quá trình tổ chức kiểm tra, một số buổi kiểm tra thành phần tham gia không có đại diện UBND phường nhưng vẫn có ký, đóng dấu UBND phường.

Từ những tồn tại, vi phạm trên, Đoàn thanh tra yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, không để xảy ra các tồn tại; đồng thời khẩn trương lập, hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc làm căn cứ cấp phép.

Theo đó, Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 104 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, lập kế hoạch và kiểm tra việc xây dựng sau khi cấp phép; kiểm tra đầy đủ thông tin theo mẫu đơn đề nghị cấp phép, hoàn thiện nội dung trên dấu bản vẽ cấp phép, đảm bảo thời hạn kiểm tra thực địa đảm bảo không vượt quá thời hạn quy định pháp luật.

Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND các xã, phường cần tăng cường kiểm tra, quản lý các công trình xây dựng; có biện pháp chấn chỉnh công tác kiểm tra, lập biên bản, hướng dẫn và tuyên truyền người dân chấp hành việc xây dựng theo giấy phép được cấp, trong trường hợp có thay đổi phải thực hiện thủ tục cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng theo đúng quy định pháp luật.

Thị xã Sơn Tây có 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường và 6 xã, là trung tâm khu vực các huyện, thị phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai khi các tuyến đường trọng điểm của thành phố đoạn qua thị xã được xây dựng, hoàn thành sẽ sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục