Khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit

05:00' - 27/03/2020
BNEWS Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang thử thách giới hạn các hệ thống quản lý quốc gia của Anh và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đặt ra yêu cầu kéo dài thời hạn chuyển tiếp Brexit.
 Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Về mặt chính thức, Thủ tướng Boris Johnson và Chính phủ Anh không có kế hoạch yêu cầu EU gia hạn giai đoạn chuyển tiếp mối quan hệ EU-Anh theo thỏa thuận Brexit đến sau ngày 31/12. Tuy nhiên khả năng này có thể xảy ra bởi rõ ràng là với tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, Chính phủ Anh không thể nào thực hiện các cuộc đàm phán chặt chẽ, chi tiết về mối quan hệ lâu dài với EU.

Các cuộc đàm phán trực tiếp đã bị hoãn lại chỉ sau một vòng, với kết quả chủ yếu là sự khác biệt về lập trường giữa hai bên trong những vấn đề như đánh bắt cá, dịch vụ tài chính và quy định doanh nghiệp nói chung. 

EU đã công bố một dự thảo thỏa thuận dài 441 trang về mối quan hệ tương lai, và Anh cũng đáp lại bằng văn bản dự thảo của mình. Tuy nhiên, không thể hình dung việc EU và Anh sẽ đạt được tiến bộ quyết định trước ngày 30/6, thời hạn mà ông Johnson phải quyết định có yêu cầu gia hạn Brexit hay không.

Không chỉ thử thách các hệ thống hành chính quốc gia của cả Anh và EU, đại dịch còn đẩy nền kinh tế của cả hai vào tình trạng khẩn cấp mà gần như chắc chắn sẽ kéo dài đến sau tháng Sáu. Giữa lúc khó khăn bộn bề, Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Bất chấp hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, vốn đòi hỏi cần có những quyết định lãnh đạo trách nhiệm và lý trí, vẫn có những nhân vật trong Đảng Bảo thủ cầm quyền say sưa với viễn cảnh hoàng kim đi cùng với Brexit.

Ngay cả khi không có thỏa thuận để điều chỉnh mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, những người ủng hộ Brexit vẫn muốn giai đoạn chuyển tiếp sẽ chấm dứt vào cuối tháng 12 tới - thời hạn đã được chính phủ của ông Johnson ấn định thành luật. Họ sẵn sàng lên án chính phủ nếu nước Anh tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU, trong trường hợp nước này phải kéo dài giai đoạn chuyển tiếp.

Có lẽ lời giải thích sáng suốt nhất về lý do cần thiết phải gia hạn thời gian chuyển tiếp là trong bài bình luận của ông Fabian Zuleeg, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Brussels. Chuyên gia này viết, những hành động của Chính phủ Anh trong những tuần tới sẽ chứng tỏ liệu ông Boris Johnson có đủ khả năng của một chính khách hay không.

Trong bối cảnh hiện nay việc gia hạn chuyển tiếp là cách duy nhất, bất kể ý định dài hơi của ông đối với mối quan hệ giữa Anh và EU là như thế nào. “Việc cố tình và chủ ý bồi thêm một cú sốc kinh tế nữa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ là cực kỳ liều lĩnh”.

Chưa tính đến những ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Anh gần như chắc chắn sẽ phải nhận một cú sốc nếu Chính phủ của ông Johnson quyết tâm vượt qua sự phản đối của EU và thực hiện những kế hoạch xây dựng mối quan hệ tương lai trên cơ sở tách hoàn toàn khỏi các quy định và tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), phí tổn phụ trội của cách tiếp cận này sẽ làm giảm tăng trưởng tiềm năng của Anh khoảng 4% trong vòng 15 năm. Chính sách nhập cư mới được Chính phủ Anh đề xuất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP đi thêm 1,2%, theo báo cáo bổ sung trong tháng này của OBR.

Ông Michael Gove, cánh tay phải của Thủ tướng Boris Johnson về Brexit trong Nội các, đã cảnh báo giới doanh nghiệp Anh trước khi đại dịch bùng phát là phải chuẩn bị thuê thêm 50.000 nhân viên nhằm giải quyết thủ tục giấy tờ hải quan bổ sung phát sinh do Chính phủ kiên quyết tách khỏi các quy định quản lý của châu Âu.

Thật khó tưởng tượng nổi việc Chính phủ Anh lại dồn thêm gánh nặng cho các công ty trong thời điểm nền kinh tế phải chật vật để tồn tại vì dịch bệnh.

Tình hình thậm chí sẽ còn lộn xộn hơn nếu Anh và EU, trong khi vẫn phải vật lộn với dịch bệnh và những hậu quả mà nó gây ra, buộc phải bước vào năm 2021 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào để giải quyết thương mại song phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục