Hội nhập doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất khu vực

06:30' - 11/11/2017
BNEWS Chính phủ các nước ASEAN đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập vào những mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia nhằm nâng cao hơn nữa vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội nhập doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất khu vực. Ảnh: TTXVN

Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á đã và đang được hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu hóa cũng như mạng lưới sản xuất xuyên biên giới – vốn được coi là xương sống của nền kinh tế thế giới. Các nước thành viên ASEAN cũng có thể học tập những kinh nghiệm này để thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo Báo cáo đầu tư ASEAN năm 2016, mạng lưới sản xuất khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), bao gồm việc xây dựng một thị trường chung với giá trị hơn 2.500 tỷ USD và cơ sở sản xuất thống nhất của hơn 620 triệu người.

Việc hiểu được bản chất và động lực của những mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia sẽ góp phần đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và công bằng của khu vực.

Năm 1985, chuỗi cung ứng khu vực châu Á chỉ bao gồm 4 nền kinh tế lớn là Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, trong đó cấu trúc cơ bản của mạng lưới sản xuất là việc Nhật Bản xây dựng chuỗi cung ứng từ các nước như Indonesia và Malaysia.

Đến năm 1990, Nhật Bản tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi cung cấp các sản phẩm trung gian sang các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Trung Quốc đại lục và Thái Lan.

Mặc dù vẫn dựa vào nguồn tư liệu sản xuất của Indonesia và Malaysia, Nhật Bản cũng bắt đầu cung cấp các sản phẩm cho những nền kinh tế Đông Á khác, đặc biệt là nhóm "các nền kinh tế công nghiệp mới" (NIE) gồm Đặc khu hành chính Hong Kong, Singapore, Vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.

Năm 1995, Mỹ bước vào sân chơi châu Á thông qua chuỗi cung ứng của Malaysia và Singapore, và năm 2000 đánh dấu là sự xuất hiện của Trung Quốc với mạng lưới liên kết sản xuất với Hàn Quốc và Đài Bắc (Trung Hoa).

Đến năm 2005, Trung Quốc nổi lên là “công xưởng của thế giới” và trung tâm của mạng lưới sản xuất đã tập trung hoàn toàn ở nước này. Khả năng cạnh tranh của lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc không chỉ nhờ lực lượng lao động “giá rẻ” mà còn cả các sản phẩm trung gian mà nước này nhập khẩu từ các nền kinh tế Đông Á khác, cùng với những hàng hoá gắn nhãn "Made in China".

Các mạng lưới sản xuất ở châu Âu hay Bắc Mỹ chủ yếu mang tính khu vực, tức là hàng hóa được sản xuất ở một khu vực nhất định và bán cho người tiêu dùng trong cùng khu vực đó. Tại châu Á, mạng lưới sản xuất thì tập trung trong khu vực, nhưng quy mô phân phối lại mang tính toàn cầu.

Cấu trúc này xuất phát từ chiến lược tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản trong nửa sau của thế kỷ 20 và sau đó là do các nền kinh tế NIE củng cố vào những năm 1970. Xu hướng này phát triển mạnh mẽ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Sự bùng nổ của hơn một tỷ người lao động Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến việc xác định lại lợi thế so sánh trong khu vực và rộng hơn.

Theo Giáo sư Henry Wai-chung Yeung từ trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhà nước cần ban hành các chính sách phát triển kinh tế giúp thiết lập những “khớp nối chiến lược” để giúp doanh nghiệp nội địa tận dụng lợi thế và kết hợp những sáng kiến của mình với các mạng lưới sản xuất xuyên biên giới.

Lực lượng lao động trẻ tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Trường hợp của công ty Foxconn, nhà lắp ráp chính cho điện thoại iPhone của hãng Apple, là một ví dụ về khớp nối chiến lược. Công ty Foxconn của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ là một bộ phận cấu thành trong quá trình “sản xuất” thành công chiếc iPhone của Apple mà còn hội nhập vùng lãnh thổ này và Trung Quốc Đại lục vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của iPhone.

Điều thú vị hơn, dù là đối thủ cạnh tranh chính của Apple trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cung cấp nhiều bộ phận, linh kiện quan trọng cho những chiếc iPhone mà Foxconn lắp ráp.

“Người khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc cũng bận rộn xây dựng mạng lưới sản xuất của riêng mình ở khắp khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có một khu công nghiệp khổng lồ ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Hoạt động của tổ hợp Samsung ở Bắc Ninh đã góp phần đưa tỉnh lên vị trí thứ 2 trên 63 tỉnh thành về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác, quyết định đầu tư 15 tỷ USD của Samsung vào Việt Nam là chiến lược đa dạng hóa của công ty, tránh sự phụ thuộc vào ngành chế tạo Trung Quốc nơi Foxconn thống trị, đồng thời gắn kết với các khu phức hợp công nghiệp hiện có tại Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Các sáng kiến về chính sách của chính quyền Đài Loan, Trung Quốc Đại lục, Hàn Quốc và Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khớp nối chiến lược giữa Foxconn-Apple-Samsung, đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà cơ chế phát triển kinh tế mới này đem lại hiệu quả và thành công.

Trong quá trình cải cách kinh tế, các cơ quan, bộ ngành đã tạo nhiều thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và các ngành công nghiệp có thể tận dụng cơ hội ngày càng tăng đến từ xu hướng toàn cầu hóa.

Khi các quốc gia Đông Nam Á chuyển từ can thiệp kinh tế trực tiếp sang hỗ trợ khớp nối chiến lược giữa các công ty trong nước và mạng lưới sản xuất toàn cầu, việc phát triển quan hệ đối tác được mở rộng từ cơ chế hợp tác nhà nước-doanh nghiệp đến liên doanh giữa các công ty đa quốc gia đi kèm với sự chia sẻ chuyên môn và công nghệ.

Trên thực tế, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển năng lực cạnh tranh quốc tế. Việc lựa chọn ngành công nghiệp cụ thể hoặc lĩnh vực chủ đạo trong đường lối phát triển kinh tế là bài toán hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách, bởi nền kinh tế thế giới hiện nay tiềm ẩn ngày càng nhiều những yếu tố bất ổn và khó lường trước.

Do đó trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa, việc xây dựng một chiến lược ngoại giao kinh tế sẽ giúp các công ty nội địa tiếp cận và trở thành một phần của mạng lưới sản xuất toàn cầu, nhất là trong những ngành công nghiệp được đặc trưng bởi sự chuyên môn hóa như thiết bị vận tải, công nghệ thông tin và nông nghiệp-thực phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục