Hướng đi mới để giải bài toán ô nhiễm môi trường

05:30' - 09/10/2023
BNEWS Khi nói đến quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, Trung Quốc vừa là một phần của vấn đề vừa là một phần của giải pháp.

Để đối phó với các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhìn về dài hạn, Chương trình môi trường LHQ (UNEP) khuyến nghị chính phủ các nước phải đề ra các chính sách quản lý hóa chất lâu dài, đặc biệt là trong phát triển công nghiệp, không chỉ để ngăn chặn các thiệt hại mà còn cải thiện việc làm và phát triển công nghệ xanh. Một trong những giải pháp mà OECD đề ra là chính phủ các nước cắt giảm trợ cấp cho việc giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường từ đốt năng lượng hóa thạch và xả nước thải bừa bãi.

Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), tới năm 2050, ô nhiễm môi trường sẽ khiến 3,6 triệu người tử vong mỗi năm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, những nhà máy xí nghiệp không đạt tiêu chuẩn về khí thải, các phương tiện giao thông cũ kỹ quá hạn sử dụng là các tác nhân dẫn đến nguy cơ này.

Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc thừa nhận: “Các hóa chất độc hại đã gây ra nhiều tình huống môi trường khẩn cấp có liên quan nạn ô nhiễm nước và không khí". Chính vì vậy, nước này đã đề xuất một tầm nhìn tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm phụ thuộc vào các ngành thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mặc dù việc đưa kế hoạch này vào thực tiễn còn gây không ít tranh cãi.

* Một phần giải pháp

Khi nói đến quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, Trung Quốc vừa là một phần của vấn đề vừa là một phần của giải pháp.

Năm 2020, quốc gia này phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới này chịu trách nhiệm cho khoảng hơn 30% lượng khí thải carbon trên toàn cầu, so với tỷ trọng 13,5% của Mỹ.

Việc tính gộp tổng lượng phát thải các loại khí nhà kính không làm thay đổi đáng kể tình hình, khi Trung Quốc vẫn đứng đầu với mức phát thải 26% và Mỹ đứng thứ hai với khoảng 13%.

Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, bổ sung thêm công suất năng lượng tái tạo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đến cuối năm 2022, Trung Quốc lên kế hoạch lắp đặt công suất điện bổ sung với mức đáng kinh ngạc 156 GW do tua-bin gió và các tấm pin năng lượng Mặt Trời cung cấp, cao hơn 25% so với kỷ lục mà nước này thiết lập vào năm 2021. Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 30 GW điện từ năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió trong năm nay.

Tổng lượng điện sử dụng tại Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng khoảng 4% so với năm 2021. Kể từ khi Trung Quốc đưa ra những cam kết quốc tế đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vào năm 2009, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng gấp ba lần nhưng mức tiêu thụ năng lượng của nước này chỉ tăng một nửa con số đó.

Nhà báo Trung Quốc Liu Hongqiao cho biết: “Trung Quốc chưa tách rời hoàn toàn tăng trưởng GDP khỏi tiêu thụ năng lượng và khí thải, nhưng xu hướng này đang đưa chúng ta đi theo hướng tách rời hai nhân tố này”. Trung Quốc cũng là nước thúc đẩy các thỏa thuận khí hậu quốc tế. Thỏa thuận khí hậu song phương năm 2014 với Mỹ đã tạo điều kiện cho việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Chỉ trong một thế hệ, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế trên toàn cầu. Hiện nay, nước này phải đối mặt với một nhiệm vụ có mức độ khẩn cấp và quy mô tương đương. Cũng trong khoảng thời gian một thế hệ tới, Trung Quốc phải dẫn đầu thế giới bằng cách "xanh hóa" nền kinh tế khổng lồ của mình. Việc Trung Quốc có thể hoàn thành mục tiêu này nhanh đến mức nào sẽ quyết định phần lớn liệu thế giới có thể ngăn chặn mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hay không. Đây là mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đặt ra cho năm 2050 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

* Giảm sản lượng và đầu tư trong các ngành gây ô nhiễm

Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc là minh chứng cho sự xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách môi trường xanh. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và sau đó tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060. Đồng thời, Trung Quốc khẳng định năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong "miếng bánh" năng lượng của Trung Quốc, thay thế dần nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất là than đá.

Để hoàn hành mục tiêu trên, nước này đang kêu gọi giảm sản lượng thép từ mức kỷ lục hơn 1 tỷ tấn. Tuy nhiên, những động thái ban đầu nhằm kìm chân các nhà sản xuất thép đã khiến giá kim loại này tăng lên.

Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới. Chính phủ không chỉ chú ý tới khói bụi mù mịt từ các nhà máy luyện thép mà còn quan ngại vì sản xuất thép chiếm đến 15% lượng khí nhà kính mà Trung Quốc thải ra khí quyển hàng năm.

Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Manangemnet (Hong Kong), nhận định: Sáng kiến trung hòa phát thải nhà kinh sẽ gây áp lực kéo dài lên chỉ số giá sản xuất (PPI) trong những năm tới. Tác động về giá sẽ xuất hiện trước tiên ở những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao hơn như thép, nhưng nhiều khả năng giá cả nhiều mặt hàng chế tạo khác cũng sẽ tăng trong quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ than sang các dạng năng lượng bền vững.

Tại Trung Quốc, cuộc tranh luận về việc nên cắt giảm việc sử dụng than đá như thế nào diễn ra khá gay gắt. Trong những thập kỷ gần đây, việc sử dụng than đá đã thúc đẩy nền công nghiệp của Trung Quốc phát triển, nhưng lại khiến nước này trở thành quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới.

Các nhà khoa học và cố vấn chính sách hàng đầu về khí hậu của Trung Quốc muốn đưa ra các giới hạn phát thải chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc hầu như không còn phê duyệt các dự án điện than mới và họ mong muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Tuy vậy, trong giai đoạn chuyển giao ngành sản xuất điện và công nghiệp của Trung Quốc sẽ vẫn cần sử dụng một lượng lớn than trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lo lắng về việc sụt giảm việc làm và đầu tư cũng như những áp lực xã hội do việc loại bỏ than mang lại. Họ cho rằng Trung Quốc vẫn cần than để cung cấp một nền điện lực lớn mạnh, bổ sung cho các nguồn năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió và thủy điện, vốn dễ biến động hơn.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp bảo vệ môi trường. Theo con số thống kê, trong vốn đầu tư 4.000 tỷ nhân dân tệ dùng để mở rộng kích cầu trong nước Trung Quốc, khoảng 300 tỷ nhân dân tệ đã đầu tư trực tiếp vào ngành liên quan tới bảo vệ môi trường.

Tờ China Daily cho rằng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, Trung Quốc cần tìm giải pháp để sự phát triển không làm giảm chất lượng cuộc sống thành thị và môi trường. Tờ báo trên đã đề ra một số giải pháp như giảm mật độ nhà cao tầng trong đô thị, trồng thêm nhiều cây trong khu vực dân cư, giảm số lượng xe cơ giới.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho biết, họ đã đề nghị 58 nhà máy có lượng khí thải cao trong lĩnh vực hóa chất, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng dừng hoạt động. Chính quyền các thành phố Trung Quốc cũng đã ra lệnh tạm ngưng các công trình xây dựng gây nhiều bụi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục