Indonesia đặt cược vào lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản quan trọng

06:30' - 05/06/2023
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đang đặt cược vào lệnh ngừng xuất khẩu khoáng sản thô để thu hút đầu tư, mang lại nhiều việc làm và phát triển kinh tế.

Theo tờ Nikkei, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đang đặt cược vào lệnh ngừng xuất khẩu khoáng sản thô của quốc gia giàu tài nguyên này, dự kiến sẽ thu hút đầu tư, mang lại nhiều việc làm và phát triển kinh tế.

Indonesia chiếm gần một nửa sản lượng nickel của thế giới và sự thay đổi chính sách đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác đầu tư vào sản xuất pin xe điện và thép không gỉ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thành công từ lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel thô vào năm 2020 là chưa đủ để Indonesia thúc đẩy lợi thế trên thị trường toàn cầu. Cần xem xét cả các kế hoạch ngừng xuất khẩu các khoáng sản khác như bauxite, thiếc và đồng sẽ bắt đầu vào tháng tới.

Một số quan ngại cho rằng lịch sử đã chứng minh chính phủ từng thất bại trong chính sách tài nguyên. Kế hoạch hiện nay có thể phản tác dụng nếu Indonesia không thể thu hút đầu tư để xây dựng đủ số lượng các nhà máy luyện kim trong nước cần thiết và nâng cao chuỗi giá trị khoáng sản.

Dù vậy, Tổng thống Indonesia vẫn không nản lòng. Ông kêu gọi người kế nhiệm cương vị tổng thống của mình vào năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì chính sách này khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới. 

Năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã giành chiến thắng trong vụ kiện Indonesia liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu nickel tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Indonesia có trữ lượng mỏ khoáng sản phong phú nhất thế giới. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, nước này tập trung vào khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô.

Các lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia nhằm mục đích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hạ nguồn, tạo việc làm và thúc đẩy tăng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị hơn. Nước này hy vọng sẽ thoát khỏi "lời nguyền tài nguyên", một cách nói về tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cản trở hơn là giúp ích cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

Jakarta đang cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu đối với khoảng 20 mặt hàng, bao gồm than đá, vàng, bạc, dầu thô, khí đốt tự nhiên và dầu cọ, với mục tiêu đầu tư khoảng 545 tỷ USD vào hoạt động tinh chế vào năm 2040.

Năm ngoái, xuất khẩu các sản phẩm nickel của Indonesia đã tăng vọt lên 33 tỷ USD, với các lô hàng chủ yếu là các sản phẩm trung gian bao gồm ferronickel được sử dụng trong thép không gỉ, tăng hơn 4 lần so với mức 8 tỷ USD vào năm 2019, khi xuất khẩu chủ yếu là quặng chưa qua tinh chế.

Indonesia chiếm gần một nửa sản lượng quặng nickel toàn cầu và nắm giữ 1/5 trữ lượng nickel của thế giới. Sự phụ thuộc lớn của Trung Quốc vào nickel của Indonesia phục vụ ngành công nghiệp thép không gỉ và pin xe điện đã thu hút hàng tỷ đô la của cường quốc này đầu tư vào các khu vực sản xuất nickel trên các đảo Sulawesi và Halmahera.

Tổng thống Jokowi đã đàm phán với nhà sản xuất ô tô điện Tesla về việc đầu tư vào lĩnh vực nickel của đất nước, trong khi nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO Holdings, BASF của Đức và Ford Motor đều đã cam kết đầu tư riêng.

Tuy nhiên, một số kế hoạch của Chính phủ Indonesia dường như đang chững lại trước khi đợt cấm xuất khẩu mới được ấn định vào ngày 10/6. Các nhà chức trách đã gia hạn giấy phép xuất khẩu tinh quặng đồng do Freeport Indonesia và Amman Mineral Nusa Tenggara sản xuất cho đến tháng 5/2024, cho đến khi các nhà máy luyện kim mới của nước này đi vào hoạt động.

Động thái này càng làm rõ hơn mối lo ngại rằng, hoặc là nước này thiếu các nhà máy chế biến cần thiết, hoặc là doanh thu xuất khẩu có xu hướng giảm sau khi nước này đạt thặng dư thương mại kỷ lục hồi năm ngoái.

Các nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm tiếp theo của Indonesia sẽ không tác động nhiều đến thị trường toàn cầu, hay thu hút đầu tư mạnh mẽ vào trong nước như những thành công đạt được từ lệnh cấm xuất khẩu nickel trước đây.

Sabrin Chowdhury, Trưởng bộ phận hàng hóa tại BMI, một đơn vị nghiên cứu của tập đoàn Fitch, trao đổi với Nikkei Asia cho rằng, đây là sự khác biệt rõ rệt so với những gì có thể được mong đợi trong lĩnh vực bauxite và đồng vì thế giới không phụ thuộc vào Indonesia về bauxite hay đồng.

Trong khi đó, Lucy Tang, nhà phân tích kim loại tại S&P Global Commodity Insights, cho rằng lệnh cấm có thể gây ra tình trạng thừa cung tại thị trường nội địa nhưng chỉ trong ngắn hạn do năng lực luyện đồng và chế biến thiếc của Indonesia còn hạn chế. Bà lưu ý rằng cần rất nhiều thời gian cùng các khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng các nhà máy tinh chế alumina, luyện đồng và chế biến thiếc.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy kế hoạch cấm xuất khẩu bauxite, nguồn nhôm chính, có thể khả quan hơn. Nhu cầu nhôm dự kiến sẽ tăng cao do các ứng dụng của nó trong pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện, cùng các công nghệ xanh khác như trong chế tạo máy bay, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng lâu bền.

Trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng Ba vừa quan, bà Lucy Tang cho biết, các nhà máy luyện nhôm chính của Trung Quốc đang tìm cách chuyển một số công suất ra nước ngoài, chủ yếu là ở Indonesia. Shandong Nanshan của Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch mở rộng nhà máy alumina mới của mình trên đảo Bintan của Indonesia, tạo ra một khu liên hợp luyện nhôm trị giá 6 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi đó, liên doanh giữa Tập đoàn Hongqiao của Trung Quốc và công ty khai thác Cita Mineral Investindo của Indonesia đã hoàn thành việc mở rộng nhà máy luyện alumin trên đảo Borneo vào năm ngoái.

Trong khi đó, Quyền chủ tịch Hiệp hội quặng sắt và bauxite Indonesia, Ronald Sulistyanto nhận định, ngoài Trung Quốc, các nhà đầu tư từ nơi khác đã không đáp ứng thời gian dự án đã thảo luận trước đó cũng như giải ngân, gây quan ngại cho các công ty khai thác bauxite của Indonesia đang phải vật lộn để tài trợ cho việc xây dựng các lò luyện của riêng họ.

Thiếc được sử dụng rộng rãi trong các đầu nối điện và màn hình cảm ứng, cũng ngày càng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm cả tiềm năng trong sản xuất pin lithium-ion. Chỉ 5% thiếc khai thác ở Indonesia - quốc gia xuất khẩu kim loại tinh chế lớn nhất thế giới - được tinh chế trong nước.

Nhà phân tích Sabrin Chowdhury cho biết: "Đối với trường hợp thiếc, lệnh hạn chế từ Indonesia, cùng với lệnh cấm khai thác ở khu vực Wa của Myanmar, có khả năng dẫn đến giá thiếc toàn cầu tăng đột biến". "Do đó, chúng tôi tích cực hơn đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thiếc..., nhưng nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và các quy định tín dụng chặt chẽ trên toàn thế giới có thể trì hoãn hoặc cản trở thành công".

Indonesia không phải là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia giàu tài nguyên tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn từ tài sản tự nhiên. Nhưng Indonesia là quốc gia tiên phong cho việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản. Nhà phân tích Chowdhury nhấn mạnh: Câu chuyện thành công về nickel là dấu hiệu của việc tiến lên thành công trong chuỗi giá trị thông qua chính sách quyết đoán của Indonesia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục