Indonesia nghiên cứu cải cách hệ thống tài chính

07:59' - 05/09/2020
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, Chính phủ Indonesia đang trong quá trình tiến hành một nghiên cứu về cải cách hệ thống tài chính quốc gia.

Đây là một biện pháp để xử lý các vấn đề trong các tổ chức dịch vụ và thị trường tài chính nhằm đảm bảo hệ thống tài chính của Indonesia phát huy hiệu quả và đáng tin cậy hơn.

Theo bà Sri Mulyani Indrawati, nghiên cứu này được chuẩn bị bằng cách xem xét những diễn biến hiện nay trong lĩnh vực tài chính và đưa ra các dự báo trong tương lai, bao gồm việc tham khảo kết quả đánh giá các kịch bản ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng do Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (KSSK) của Indonesia tiến hành thường xuyên, liên tục.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia nhấn mạnh rằng các cơ quan hữu quan của nước này đã thực hiện một số mô phỏng và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng chính đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia đề từ đó tiến hành điều chỉnh. Hiện tại, Chính phủ Indonesia đã đưa ra ít nhất 5 đề xuất để tăng cường cho các nghiên cứu này.

Đề xuất thứ nhất là tăng cường cơ sở dữ liệu và thông tin tích hợp giữa các cơ sở, bao gồm cả sự phối hợp giữa các cơ sở trong việc cập nhật, đối chiếu và xác minh một cách rõ ràng và vững chắc hơn.

Chiến lược này cũng là một hình thức của cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa các tổ chức. Các cơ sở dữ liệu và thông tin này sẽ hỗ trợ các tổ chức phân tích xác định các vấn đề tiềm ẩn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính một cách chính xác và sớm nhất có thể.

Đề xuất thứ hai là nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào cần điều chỉnh, một cuộc kiểm tra và đánh giá chung sẽ được thực hiện. Điều này sẽ trở thành cơ sở để tổ chức xác định các bước dự kiến để xử lý vấn đề tiếp theo.

Việc kiểm tra và đánh giá chung này đi kèm với việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan giám sát ngành tài chính để giám sát và thực thi các quy định mang tính chất phối hợp giữa các ngành và giữa các công cụ. Về việc phối hợp hiện đang được nghiên cứu để tăng cường khu vực tài chính theo hướng tổng hợp, bao gồm cả việc lồng ghép các thỏa thuận vi mô một cách thận trọng.

Indonesia đã từng thực hiện một hệ thống bao gồm cả cơ quan giám sát ngân hàng và cơ quan tiền tệ, cũng như một hệ thống riêng biệt như ngày nay. Mỗi hệ thống đều có những ưu và nhược điểm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để tăng cường hệ thống giám sát ngân hàng.

Đề xuất thứ ba là việc củng cố cũng được thực hiện dựa trên các công cụ mà các ngân hàng có thể sử dụng để khắc phục các vấn đề đang xảy ra.

Hiện các ngân hàng đang xem xét việc đơn giản hóa các yêu cầu về công cụ thanh khoản nhằm tăng khả năng tiếp cận của các ngân hàng yêu cầu hỗ trợ thanh khoản, ví dụ như các khoản vay thanh khoản ngắn hạn (PLJP) và tài trợ thanh khoản ngắn hạn Sharia (PLJPS) do Ngân hàng Trung ương Indonesia điều hành chính.

Còn việc củng cố hệ thống tài chính quốc gia luôn cần được chú trọng là đề xuất thứ tư. Trước đây Chính phủ Indonesia gần như chỉ giới hạn ở chức năng giảm thiểu tổn thất và giảm thiểu rủi ro. Trong trường hợp xảy ra vấn đề, Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ tiến hành can thiệp sớm, bao gồm cả việc cấp vốn để duy trì tính ổn định.

Cuối cùng, tăng cường ra các quyết định cũng là một phần của nghiên cứu, cụ thể là để cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý và củng cố niềm tin cho các thành viên KSSK trong việc ra quyết định. Với việc tăng cường ra quyết định này, Chính phủ Indonesia hy vọng rằng các chính sách và công cụ hiện có có thể được tối ưu hóa để dự báo và xử lý các vấn đề nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia./.

>>>Indonesia và Nhật Bản dùng nội tệ trong thanh toán song phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục