Indonesia sẽ chuyển các bộ ngành sang thủ đô mới từ năm 2023

18:21' - 17/06/2021
BNEWS Một số công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành và cơ quan trung ương dự kiến sẽ được chuyển tới thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan từ năm 2023.

Ngày 17/6, phát biểu trên kênh Youtube chính thức thuộc PAN-RB, Bộ trưởng Cải cách hành chính và Quan liêu Indonesia (PAN-RB) Tjahjo Kumolo cho hay: "Chúng tôi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, một số công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành và cơ quan trung ương sẽ dần được chuyển tới thủ đô mới", tạo điều kiện để vận hành cơ cấu chính phủ tại đây vào năm 2024.
Chính trị gia thuộc đảng PDIP cầm quyền cho biết PAN-RB đã chuẩn bị một lộ trình liên quan đến việc vận hành cơ cấu chính phủ tại Đông Kalimantan, chỉ còn chờ quyết định dời thủ đô.

Mục tiêu được đặt ra là tổ chức một buổi lễ cấp nhà nước với sự tham dự của tất cả các quan chức, công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành và cơ quan trung ương tại thủ đô mới vào ngày 17/8/2024.
Hồi năm 2019, Tổng thống Joko Widodo đã chọn huyện Bắc Penajam Paser ở tỉnh Đông Kalimantan làm địa điểm xây dựng thủ đô mới. Tuy nhiên, các dự án xây dựng thủ đô mới đang bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đầu tháng này, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban V (giám sát các lĩnh vực giao thông, viễn thông, công trình công cộng, nhà ở công cộng, phát triển các vùng khó khăn) thuộc Hạ viện, đại diện Bộ Nhà ở và Công trình Công cộng (PUPR) thông báo Chính phủ sẽ không phân bổ ngân sách để xây dựng thủ đô mới trong năm 2022, đồng nghĩa với việc đại dự án này tiếp tục bị treo hơn 2 năm sau khi được công bố.
Trong năm 2022, PUPR đề xuất gói ngân sách lên tới 100.460 tỷ rupiah (hơn 7 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 149.810 tỷ rupiah của năm nay. Mặc dù chưa có ngân sách, PUPR hiện đang chuẩn bị công tác thiết kế thành phố thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan. Dự thảo luật về thủ đô mới cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021.
Theo Cơ quan Phát triển Kế hoạch Quốc gia, tổng số vốn cần thiết để di dời thủ đô từ địa điểm hiện nay ở Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan lên tới 486.000 tỷ rupiah, trong đó 265.200 tỷ rupiah được huy động qua chương trình đối tác công tư (PPP), 127.300 tỷ rupiah từ các quỹ đặc biệt của tư nhân, và 93.500 tỷ rupiah từ ngân sách nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục