Khởi công Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại

11:30' - 28/04/2017
BNEWS Dự án điện gió Đầm Nại được đầu tư ttại huyện Ninh Hải, với công suất 40 MW; diện tích sử dụng đất 9,6 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.
Khởi công Dự án Nhà máy điện gió, công suất 40 MW, tại Ninh Thuận. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017), sáng 28/4, Công ty cổ phần TSV (doanh nghiệp đối tác Việt Nam) và Tập đoàn The Bule Circle (Singapore) đã khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Đầm Nại, tại khu vực xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án điện gió Đầm Nại được đầu tư trên địa bàn xã Tân Hải và Phương Hải (huyện Ninh Hải) và xã Bắc phong (huyện Thuận Bắc), với công suất 40 MW; diện tích sử dụng đất 9,6 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.

Thời gian thực hiện dự án được chia làm 2 giai đoạn; dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 10 năm 2017 và giai đoạn 2 vận hành vào tháng 10/2018.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TSV, ông Đỗ Văn Điện cho biết, dự án Nhà máy Điện gió Đầm Nại sử dụng turbine của hãng Gemasa, với loại turbine 2,625 MW/turbine, đường kính cánh quạt 114 m (Đây là loại turbine lớn nhất được lắp đặt và đưa vào vận hành tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại).

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TSV, ông Đỗ Văn Điện phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN

Hiện, Liên doanh đã nghiệm thu kỹ thuật tại nhà xưởng của Gamesa, chuẩn bị chuyển lên tàu về Việt Nam, dự kiến tháng 8/2017, các turbine sẽ về đến cảng Cam Ranh.

Về chi tiết tiến độ xây dựng và vận hành, ông Đỗ Khắc Điện cho biết, trong tháng 10/2017, Liên doanh sẽ đưa vào vận hành 3 turbine với công suất khoảng 8 MW. Sau khi hoàn thành 3 turbine đầu tiên, Liên doanh sẽ tiếp tục xây dựng 13 trụ turbine còn lại của dự án, dự kiến tháng 10/2018 toàn bộ 16 turbine của dự án sẽ đi vào hoạt động.

Để dự án triển khai đạt hiệu quả, đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh đề nghị nhà đầu tư (Liên doanh TSV - The Blue Circle) tập trung các nguồn lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư có kế hoạch tuyển dụng lao động trên cơ sở ưu tiên giải quyết lao động tại địa phương; đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình xây dựng công trình cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương./.

>>> Phát triển điện gió: Biến tiềm năng thành hiện thực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục