Khôi phục kinh tế trong dịch COVID-19 - Bài 2: Gấp rút tìm giải pháp

15:14' - 21/03/2020
BNEWS Chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ là một động thái tích cực của Chính phủ, nhưng nếu dịch bệnh diễn biến khó lường và cần hỗ trợ lâu dài thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thâm hụt.
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ngày 8/3, chính quyền và người dân nơi đây đã nhận thấy các tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 lên nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống hàng ngày.

Để giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, các cấp chính quyền, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gấp rút tìm kiếm và thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế - xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn.

* Tác động khó lường

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh đang gây nên những ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội, đại diện các doanh nghiệp và hội nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố cần được triển khai kịp thời, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó hiệu quả.

Đơn cử như chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ giãn hạn nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, miễn giảm lãi, phí..., ông Nguyễn Đức Quỳnh Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Phó chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng nhận xét, đây là biện pháp đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành với doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Cùng đó, sự hỗ trợ từ ngân hàng hay các nguồn tài chính khác cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính sách gia hạn các khoản thuế, phí nhưng phải nộp đủ vào cuối năm 2020 thì vẫn rất khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi việc hồi phục kinh doanh, sản xuất không thể diễn ra trong 2, 3 tháng mà cần hàng năm.

Đồng quan điểm, ông Lê Vinh Quang – Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng cũng hy vọng, Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư, gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Doanh nghiệp gần như dừng hoạt động, không có doanh thu, không đủ chi phí trả lương cán bộ nhân viên cũng nên được hỗ trợ gia hạn chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn phạt chậm nộp.

Theo ông Lê Vinh Quang, tại Đà Nẵng, dịch vụ đóng góp chính cho nguồn thu nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế chung toàn thành phố. Song song với các gói hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cũng cần từng bước chủ động xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Các Bộ, ngành, địa phương đã gấp rút triển khai nhiều phương án đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Lê Hùng Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày 18/3, BHXH thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 489/BHXH-QLT triển khai tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và Tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và không tính lãi theo quy định.

Hiện nay chi nhánh BHXH các quận, huyện đang rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và sẽ giải quyết ngay khi các doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị tạm dừng.

“Tuy nhiên, Bảo hiểm Y tế (BHYT) là bắt buộc, nếu các đơn vị sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT thì cơ quan BHXH sẽ không cấp thẻ hoặc giảm giá trị sử dụng của tháng tiếp theo. Đồng thời, đơn vị sử dụng lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động.”- Ông Lê Hùng Anh nói.

Đối với việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Đến 11/3, theo thống kê sơ bộ của các ngân hàng thương mại, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 12.200 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng; cơ cấu lại nợ  441 tỷ đồng và miễn giảm lãi 13,6 tỷ đồng; đồng thời cho vay mới số tiền 48 tỷ đồng.”

Ngày 13/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí, đã ban hành khung chung về các doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách. Đến ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức giảm lãi suất trên diện rộng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do COVID-19.

Theo ông Võ Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng đã yêu cầu các Ngân hàng thương mại triển khai ngay việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí. Người dân, doanh nghiệp cần hỗ trợ có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng để giải quyết thủ tục. Nếu có vướng mắc, các doanh nghiệp, người dân phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để cùng tháo gỡ khó khăn.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh đến trước ngày 15/12/2020.

Cùng đó, dự thảo cũng quy định gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Dù tổng số tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp là khoảng hơn 30.000 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp sẽ phải nộp trước ngày 31/12/2020 nên giải pháp gia hạn này không ảnh hưởng tới số thu ngân sách của năm 2020.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Quỳnh, phải đến năm 2021 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch mới có thể phục hồi. Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian đóng các khoản thuế và tiền thuê đất năm 2020 đến giữa hoặc cuối năm 2021 là hợp lý; đồng thời có cách thức hỗ trợ người lao động đảm bảo được đời sống cũng chính là hỗ trợ doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, các chính sách hỗ trợ là một động thái tích cực của Chính phủ, nhưng nếu dịch bệnh diễn biến khó lường và cần hỗ trợ lâu dài thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thâm hụt. Phải ưu tiên cho những ngành kinh tế trọng điểm, có lượng lao động lớn. Trong thời gian này thì Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần phải đoàn kết, tính toán hợp lý để cùng vượt qua./.

Bài cuối: Thay đổi để hồi sinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục