Khủng hoảng năng lượng toàn cầu hay chỉ là vấn đề cục bộ ở một số nước?

09:55' - 02/10/2021
BNEWS OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ vẫn đang giới hạn nguồn cung, và tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động vận tải toàn cầu đã gây khó khăn cho hoạt động phân phối nhiên liệu.

Tình trạng các trạm xăng tại Anh cạn kiệt nhiên liệu, giá điện tăng cao ở Liên minh châu Âu (EU) ngay trước mùa Đông, và các quy định hạn chế tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc là những nét phác họa trong bức tranh toàn cảnh về tình trạng khiến người ta lầm tưởng là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

“Sợi dây” liên kết các sự kiện trên lại với nhau là việc nhu cầu năng lượng tăng trở lại từ các mức thấp trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 đã đẩy giá dầu, khí và than đá tăng cao. Giá dầu thế giới đã phá ngưỡng 80 USD/thùng trong tuần này, lần đầu tiên trong ba năm qua, trong khi giá than và khí tự nhiên cũng chạm các mức “đỉnh” của nhiều năm.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ vẫn đang giới hạn nguồn cung, và tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động vận tải toàn cầu đã gây khó khăn cho hoạt động phân phối nhiên liệu.

Thế nhưng, danh sách những điểm khác biệt giữa các sự kiện trên còn dài hơn thế. Điều này cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể xuất phát từ các lựa chọn chính sách của các nước và chỉ là cuộc khủng hoảng cục bộ, chứ không phải là sự thiếu hụt nguồn cung ở phạm vi toàn cầu.

* Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chính sách phân phối điện theo định mức cho các doanh nghiệp vì tình trạng thiếu nguồn cung than trầm trọng do chính phủ tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn tại các mỏ than, khiến sản lượng than đá giảm xuống dưới mức của nhiều năm trước trong nửa đầu năm nay. Sản lượng giảm như vậy đã đẩy giá than thiệt trong nước liên tục tăng mạnh lên các mức cao kỷ lục và hiện đã tăng hơn 80% tính đến thời điểm này của năm.

Vì Chính phủ Trung Quốc quyết định giá năng lượng, nên các nhà máy điện than không thể vận hành một cách hiệu quả về mặt kinh tế với chi phí than cao như vậy, và nhiều nhà máy đang phải đóng cửa. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng đến 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc.

Hội đồng Điện Trung Quốc, tổ chức đại diện cho các nhà cung cấp điện ở nước này, hồi đầu tuần này cho biết các công ty điện than hiện đang mở rộng các kênh cung cấp nguyên liệu bằng mọi giá để đảm bảo nguồn cung điện.

Nhưng các công ty thương mại về than cho biết rất khó để có thể tìm kiếm các nguồn nhập khẩu mới, khi Nga đang tập trung phục vụ nhu cầu điện của châu Âu, trong khi tình trạng mưa lớn làm gián đoạn nguồn cung cấp từ Indonesia (In-đô-nê-xi-a), và những khó khăn trong hoạt động vận chuyển bằng xe tải đang cản trở việc nhập khẩu từ Mông Cổ.

* “Hóa đơn” điện tăng cao tại châu Âu

Giá điện ở Tây Ban Nha đã tăng gấp ba lần, phần nào cho thấy tình hình giá năng lượng tăng cao trên khắp EU trong những tuần gần đây. Chi phí điện tăng mạnh đã làm dấy lên những lo ngại về một mùa Đông đầy khó khăn trước mắt, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình sẽ đẩy lượng điện tiêu thụ lên mức cao điểm theo mùa.

Nguyên nhân khiến giá điện ở châu Âu tăng cao là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ lượng khí tự nhiên dự trữ thấp, sản lượng điện gió và Mặt Trời không đáng kể cho đến hoạt động bảo dưỡng khiến các nhà máy điện hạt nhân và nhiều nhà máy khác phải ngừng hoạt động. Tình trạng trên lại diễn ra đúng vào thời điểm nhu cầu được dự đoán sẽ tăng lên trong những tháng tới.

Tuy nhiên, các nhà máy năng lượng hoạt động trở lại sau khi bảo dưỡng và đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga đến Đức đi vào hoạt động có thể sẽ xoa dịu tình hình.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy (I-ta-li-a), Hy Lạp, Anh và nhiều nước khác đang hoạch định các biện pháp cấp quốc gia, từ trợ cấp cho đến giới hạn mức giá, nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước chi phí gia tăng, giữa lúc các nền kinh tế đang phục hồi từ đại dịch COVID-19.

* Các trạm xăng cạn kiệt nhiên liệu tại Anh

Nước Anh đang phải đối mặt với một trong những đợt gián đoạn năng lượng tồi tệ nhất suốt hàng chục năm qua. Hoạt động ồ ạt mua hàng dự trữ đã khiến các trạm xăng ở nhiều thành phố lớn của nước này cạn kiệt nhiên liệu.

Nhưng vấn đề ở đây không phải là thiếu xăng, mà là thiếu tài xế xe tải để chở xăng từ các nhà máy lọc dầu đến các nhà bán lẻ. Đây là một trong những “tác dụng phụ” của việc nước Anh rời khỏi EU, và là hệ quả của việc hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe bị trì hoãn do dịch COVID-19.

Trước tình hình này, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cấp visa tạm thời cho hàng ngàn tài xế xe tải nước ngoài để phân phối nhiên liệu cho thị trường, cũng như đưa quân đội trở thành lực lượng dự phòng để hỗ trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục