Kinh doanh có chiều hướng suy giảm, ngân hàng đặt kỳ vọng vào quý cuối năm

08:02' - 16/10/2021
BNEWS Tình hình kinh doanh được đánh giá là có chiều hướng suy giảm so với quý trước, 54% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2021.

Đây là kết quả khảo sát mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý cuối năm đối với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Kỳ vọng tăng trưởng dương

Bước vào quý cuối cùng của năm 2021, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là tổ chức tín dụng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với nhiều số liệu tích cực.

Theo đó, tính đến hết ngày 30/9/2021, tăng trưởng tín dụng tại TPBank đạt 15%, mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,02%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 1,43% của một năm trước đó.

Kết thúc tháng 9/2021, ngân hàng đạt 75,76% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng trước đó, TPBank đã lên kế hoạch đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank: “Kết quả trên cho thấy khả năng thích ứng nhanh của TPBank với những thách thức rất lớn của thị trường. TPBank đã nhanh chóng đưa ra những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, tập trung vào những khách hàng chất lượng và mở rộng thị phần ở những sản phẩm, dịch vụ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng”.

Còn tại các ngân hàng thương mại khác, kết quả kinh doanh 9 tháng hầu như vẫn chưa được công bố chính thức. Dù vậy, trong báo cáo mới về triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 của Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong quý III/2021 khó có thể giữ được mức tăng trưởng tương đương với 2 quý đầu năm.

Các nhà phân tích viện dẫn 3 lý do đưa ra nhận định này là bởi việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7/2021 khiến ngân hàng giảm thu nhập lãi, nhu cầu tín dụng cũng giảm do dịch bệnh và chất lượng tài sản có thể suy giảm trong quý III/2021. Do đó, BSC kỳ vọng lợi nhuận có thể hồi phục vào quý IV/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi lại.

Trong một dự báo khác, Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI) ước tính sẽ có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý III. Cụ thể, SSI cho rằng thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do ngân hàng tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng, bất chấp đà tăng trưởng tín dụng đang đạt tới 11% so với đầu năm.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, thu nhập lãi của các khoản cho vay có liên quan không được ghi nhận vào báo cáo tài chính. Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, cũng đã bị "tê liệt" trong thời gian dài giãn cách xã hội.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III của VIB ước đạt từ 1.300 - 1.400 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 36,6% so với cùng kỳ 2020.

Còn với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), SSI dự báo lợi nhuận quý III có thể đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% từ đầu năm. Mức lợi nhuận này vượt cả dự báo với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức 5.000 tỷ đồng.

Với Vietcombank, SSI cho rằng kết quả quý III bị ảnh hưởng tiêu cực một mặt do việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Mặt khác, chi phí tín dụng tăng để chuẩn bị cho khả năng hình thành nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Mặc dù các khoản cho vay cơ cấu lại có thể tăng lên nhưng tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức dưới 1%.

Tuy vậy, lũy kế 9 tháng và dự báo cả năm, Vietcombank vẫn đứng đầu về lợi nhuận của toàn hệ thống. Theo đó, lũy kế 9 tháng, dự báo lợi nhuận của Techcombank và Vietcombank lần lượt là 16.700 tỷ đồng và 18.600 tỷ đồng.

Cả năm 2021, Techcombank có thể đạt 22.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40,8% so với cùng kỳ; còn Vietcombank đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ tăng 5,4%.

Ngoài ra, SSI cũng dự báo lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ vượt Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của MB đạt từ 3.300 đến 3.400 tỷ đồng, tăng 10 - 12% so với cùng kỳ; VPBank 3.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và giảm 36% so với quý trước; VietinBank tăng 3,3% so với cùng kỳ lên 3.000 tỷ đồng.

Kiểm soát chặt rủi ro

Bàn về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, những con số lợi nhuận chưa thể phản ánh đầy đủ sức khỏe của các tổ chức tín dụng.
Theo ông Hùng, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã có được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, Nghị quyết 42 được ban hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ; thị trường bất động sản có chiều hướng phục hồi, thuận lợi cho việc phát mại tài sản, thu hồi nợ... Tất cả những điều này đóng góp lớn vào nguồn lực của các tổ chức tín dụng.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ngân hàng đã luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên dưới tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ 4 (từ tháng 4/2021 đến nay), nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, tình hình giao thương khó khăn, chuỗi sản xuất đứt gãy, dòng tiền của doanh nghiệp vì thế cũng bị gián đoạn, khó trở lại để trả nợ ngân hàng...

"Như vậy, có thể thấy nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai đến từ các khoản nợ tái cơ cấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là hiện hữu, ước tính khoảng 30% dư nợ, tương đương khoảng 60.000 tỷ đồng và vẫn còn tiếp tục tăng", ông Hùng chia sẻ.

Thêm vào đó, theo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng còn phải trích tối thiểu 30% đối với khoản nợ đã cơ cấu, tương đương 60.000 tỷ đồng nữa. Như vậy, tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận ngân hàng.

Ông Hùng kỳ vọng trong quý IV, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi.

Dòng tiền khi ấy sẽ luân chuyển nhịp nhàng hơn. Nhu cầu vốn tăng trở lại cũng đòi hỏi các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất.

Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực.

"Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho DN, đòi hỏi các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.

Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng./. 

>>Lấy ý kiến quy định mới ngăn ngừa các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục