Kinh tế Trung Quốc đối mặt với "sóng gió" nào trong năm 2022?

06:30' - 07/01/2022
BNEWS Kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với những gián đoạn lớn trong suốt năm 2021 do ảnh hưởng của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, những hạn chế do đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu điện.

Trong khi Trung Quốc có thể sẽ phải tiếp tục hứng chịu những tác động từ cuộc thương chiến và sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, các vấn đề mới có thể sẽ trở thành các thách thức kinh tế hàng đầu trong năm 2022. Những thách thức này bao gồm việc đối phó với lạm phát và tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản cũng như việc thúc đẩy “sự thịnh vượng chung”.

* Sự suy thoái của thị trường bất động sản

Các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã phải đối mặt với cơn bão quy định trong suốt năm 2021 do các hạn chế tài chính gia tăng, khiến một số nhà phát triển, mà nổi tiếng nhất là tập đoàn Evergrande, đã rơi vào tình trạng vỡ nợ khi phải trả một số khoản nợ lớn. Doanh số thương mại và tăng trưởng đầu tư vào bất động sản chậm lại. Các khoản nợ giữa các nhà phát triển bất động sản sẽ tiếp tục là rào cản để có thể đảm bảo sức khỏe tài chính trong lĩnh vực này.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hồi tháng 12/2021 đã yêu cầu thúc đẩy việc xây dựng nhà ở giá rẻ và điều chỉnh thị trường nhà ở thương mại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người mua. Ngành bất động sản là một kênh đầu tư quan trọng đối với người tiêu dùng và giá nhà lao dốc nhanh chóng nhanh chóng được thúc đẩy bởi các chính sách của chính quyền địa phương. Đồng thời, người tiêu dùng thường phải đối mặt với những thách thức trong việc mua nhà mới do giá cao hơn, điều mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giải quyết bằng cách khuyến khích xây dựng nhà ở giá cả phải chăng.

Câu hỏi xung quanh sự suy thoái thị trường bất động sản của Trung Quốc là mức độ ảnh hưởng của các khoản vỡ nợ đối với phần còn lại của khu vực tài chính cũng như các nhà đầu tư trong nước. Chính phủ Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng nới lỏng các điều khoản tài chính ở một mức độ nào đó để giảm thiểu rủi ro sụp đổ. 

Trong tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã hạ lãi suất cơ bản cho vay và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng các khoản cho vay của ngân hàng đối với các khách hàng có uy tín. Trong khi đó, có vẻ như Bắc Kinh sẽ không trực tiếp giải cứu các nhà phát triển bất động sản đang bị mắc nợ, thay vào đó, họ chọn sử dụng các công cụ tiền tệ để giảm bớt tình trạng khủng hoảng tín dụng đi kèm. Chính phủ Trung Quốc cũng đã khuyến khích các ngân hàng giúp các nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh mua lại các dự án của các nhà phát triển gặp khó khăn.

* Tình trạng lạm phát

Tình trạng lạm phát giá sản xuất đã đẩy chi phí đầu vào tăng cao trong năm 2021. Trong khi đó, nguyên nhân chính khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng là giá cả hàng hóa cao, tắc nghẽn vận tải, cùng với tình trạng thiếu hụt lao động và năng lượng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ tiếp tục trong một số giai đoạn của năm 2022 trước khi giảm bớt vào nửa cuối năm khi những hạn chế do COVID-19 giảm đi và nhu cầu bình ổn tăng lên. Ngoài ra, tình trạng thiếu điện của Trung Quốc do hạn chế khí thải có thể sẽ lặp lại trong năm 2022 và các kế hoạch sản xuất có thể sẽ được điều chỉnh.

Các nhà sản xuất đã bắt đầu chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Giá thực phẩm tăng nhẹ cũng dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng cao hơn. Nhu cầu gia tăng trước dịp Tết Nguyên Đán dự kiến sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng cao hơn ở một mức độ nào đó trong tháng Giêng. Ngoài ra, lạm phát ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc thông qua giá nhập khẩu tăng. Do đó, mặc vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ số giá sản xuất, nhưng chỉ số giá tiêu dùng có khả năng tăng vào năm 2022.

* Chính sách "thịnh vượng chung"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự thịnh vượng chung”, liên quan đến việc tăng cường chất lượng và phát triển kinh tế bình đẳng hơn. Cùng với điều này, Trung Quốc đã ban hành một loạt các quy định vào năm 2021, trong đó có một số quy định về việc siết chặt quy định chống độc quyền và các hành vi tổn hại người tiêu dùng. Hiện tại, chiến dịch đã buộc các cá nhân và công ty giàu có quyên góp từ thiện nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế.

Động lực cho “sự thịnh vượng chung” sẽ tiếp tục có hiệu lực trong năm 2022, nhưng cách thức chuyển thành các chính sách cụ thể vẫn khó có thể dự đoán.

* Tăng trưởng chậm lại

Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên ổn định kinh tế trong năm 2022. Ông Han Wenxiu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, tuyên bố sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương rằng các quan chức phải thận trọng trong việc đưa ra các chính sách thắt chặt kinh tế.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc là khoảng 5,1% - tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức trung bình của Trung Quốc trong những thập kỷ trước. Một lần nữa, Trung Quốc có khả năng thúc đẩy GDP gia tăng bằng cách đầu tư vào tài sản cố định. Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ chiếm một phần lớn trong số này. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ phát hành thêm trái phiếu đặc biệt để trang trải một phần chi tiêu tài khóa.

Thế vận hội mùa Đông được tổ chức vào tháng Hai cũng sẽ kích thích nền kinh tế ở một mức độ nào đó. Các ngành công nghệ mới như xe chạy bằng năng lượng mới hay người máy công nghiệp sẽ tiếp tục trở thành động lực cho nền kinh tế. Các công nghệ giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến mức độ trung hòa carbon cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với “sóng gió” khi nước này phải đối mặt với lĩnh vực bất động sản đang bùng nổ và tình trạng lạm phát, cùng với các tác động địa chính trị như thương chiến Mỹ-Trung và căng thẳng về công nghệ giữa hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục