Kinh tế Trung Quốc va phải nguy cơ mang tính hệ thống (Phần I)

06:24' - 06/10/2016
BNEWS Kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế thế giới, nhất là khi tăng trưởng chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Kinh tế Trung Quốc va phải nguy cơ mang tính hệ thống. Ảnh: newsmax.com

Sau 30 năm tăng trưởng nóng ở mức hai chữ số, Trung Quốc vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên hiện nay nền kinh tế này đang liên tiếp giảm tốc bởi cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thiếu động lực tăng trưởng, dư thừa công suất, nợ cao, các chính sách nới lỏng tiền tệ không phát huy vai trò như mong đợi...

Trước kia đa phần là Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ những nguy cơ toàn cầu, song từ sau đợt cải cách tỉ giá hồi năm ngoái, những biến động tỉ giá và dao động thị trường vốn trong nước đã có tác động rõ rệt đến kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế thế giới, nhất là khi tăng trưởng chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Trong buổi tiếp các doanh nhân tại Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định, hai thách thức lớn nhất mà nước này đang phải đối mặt, đó là kinh tế thế giới phục hồi chậm, khiến kinh tế Trung Quốc -nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới- đứng trước nhiều nhân tố không xác định, không ổn định.

Hơn thế, những mâu thuẫn tích tụ lâu năm và phương thức phát triển đơn nhất, truyền thống, cộng thêm những trở ngại mang tính cơ chế khiến Trung Quốc gặp khó khăn khi tiến hành cải cách, chuyển đổi. Trung Quốc phải nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua cải cách sáng tạo, hướng đến phát triển lành mạnh, bền vững, và điều này cần có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài.

Trung Quốc cùng lúc tiến hành cải cách và mở cửa, mà trên nhiều phương diện khi mở cửa mới buộc phải cải cách. Sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài sẽ đem đến kỹ thuật tiên tiến cũng như kinh nghiệm quản lý, như thế sẽ giúp nhiều cho việc nâng cấp các doanh nghiệp và ngành nghề ở Trung Quốc.         

Ông Lưu Nguyên Xuân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển và chiến lược quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, do tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng GDP của cả năm 2016 thực tế chỉ đạt 6,6%.

Trong khi đó sức ép giảm tốc tăng trưởng ngày càng lớn. Điều này bộc lộ ở chỗ, cho đến nay “giảm năng lực công suất” vẫn đang ở giai đoạn lên kế hoạch, song giá cả các hàng hoá dư thừa đã có dao động lớn. Nhà ở tại các thành phố cấp tỉnh lỵ còn chưa bắt đầu chiến dịch giải quyết hàng tồn nhưng giá nhà ở tại các thành phố lớn đồng loạt tăng giá.

Việc xử lý các doanh nghiệp “xác sống” và doanh nghiệp nợ cao chưa được triển khai thực chất thì doanh nghiệp nhà nước nợ lớn đã đầu tư quy mô lớn vào thị trường đất đai, mua bán và sát nhập ở nước ngoài và đầu tư tài chính.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới vừa được dỡ bỏ, song tỉ lệ nợ vĩ mô tăng cao, một số chỉ tiêu vượt ngưỡng; giảm giá thành được triển khai đồng loạt thì gánh nặng thuế tăng lên, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp; đầu tư bất động sản tăng trở lại ngoài dự kiến, nhiều dự án mới được khởi công, nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân liên tục giảm.

Năng suất lao động và lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút; đầu tư ra nước ngoài dồn dập tăng mạnh, song xuất khẩu vẫn không có dấu hiệu tăng trở lại; các chỉ tiêu kỹ thuật không ngừng tạo đột  phá, động lực tăng trưởng mới bắt đầu hình thành nhưng năng suất lao động vẫn sụt giảm; các ngành nghề truyền thống như công nghiệp có dấu hiệu ổn định trở lại thì ngành dịch vụ và ngành nghề mới nổi lại ở vào tình trạng khó khăn; tăng trưởng đầu tư theo chính sách tăng nhưng tiêu dùng giảm mạnh.

Xem tiếp phần II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục