Làm thế nào để Đông Nam Á duy trì sự bùng nổ của nền kinh tế số?

05:30' - 12/05/2021
BNEWS Trong bối cảnh đại dịch, xu hướng áp dụng kỹ thuật số trên diện rộng trong mọi lĩnh vực, từ mua sắm trực tuyến đến khám bệnh từ xa và ngân hàng số, phát triển mạnh.

Theo phân tích trong bài viết đăng trên báo The Business Times (Singapore), khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở khu vực Đông Nam Á, suy thoái kinh tế tiếp tục diễn ra theo những cách thức không thể dự đoán.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, xu hướng áp dụng kỹ thuật số trên diện rộng trong mọi lĩnh vực, từ mua sắm trực tuyến và giải trí trực tuyến đến khám bệnh từ xa và ngân hàng số, phát triển mạnh. Vấn đề lớn hiện nay là cần làm gì để duy trì đà phát triển này.

Trong một năm phong tỏa và thực hiện các biện pháp phòng dịch, số người sử dụng Internet đã tăng mạnh hơn bao giờ hết. Năm 2020, ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thêm tổng cộng 40 triệu người dùng mới, nâng tổng số người dùng Internet lên 400 triệu người.

Theo nghiên cứu của các công ty Bain & Company, Google và Temasek, 70% người dân Đông Nam Á hiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến. 

Cứ 3 người dùng các dịch vụ số thì có hơn 1 người là người dùng mới, và 90% trong số họ có ý định tiếp tục các thói quen mới sau khi dịch bệnh qua đi. Ngoài Việt Nam và Thái Lan, đa số người dùng mới là ở các khu vực ngoại ô. Người dân Đông Nam Á dành trung bình mỗi ngày 1 giờ cho Internet trong những giai đoạn phong tỏa do COVID-19.

Các dịch vụ kỹ thuật số tập trung trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải và giao đồ ăn, du lịch trực tuyến, dịch vụ tài chính số, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục. Tổng giá trị giao dịch của các lĩnh vực này cộng lại dự kiến tăng từ 100 tỷ USD trong năm 2020 lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam và Indonesia được cho là các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, và cũng là hai nước có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng ở mức hai con số.

* Những tác động khác nhau 

Mỗi lĩnh vực cảm nhận tác động của dịch COVID-19 theo cách khác nhau. Ví dụ, trong khi thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và dịch vụ giao đồ ăn ghi nhận số người dùng cao kỷ lục mới, thì vận tải và dịch vụ du lịch trực tuyến lại bị ảnh hưởng nặng nề. Khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ sử dụng giao dịch trực tuyến nhiều hơn, họ tạo tiền đề cho sự tăng trưởng liên tục của các dịch vụ tài chính số. 

Trong khi đó, công nghệ y tế và giáo dục - đóng vai trò then chốt trong giai đoạn dịch bệnh - trở thành những lĩnh vực “tuyến đầu” mới trong nền kinh tế số. Các ngành này có thể đạt được những tiến bộ đáng kể.

Công nghệ y tế chứng kiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ này tăng 4 lần kể từ khi các quốc gia áp đặt biện pháp phong tỏa để phòng dịch. Lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của cả nhà đầu tư lẫn các nhà chính sách, cũng như từ các bệnh nhân.

Các dịch vụ số góp phần giảm bớt gánh nặng đối với các hệ thống y tế, bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ điều trị trực tuyến cho các ca bệnh không nghiêm trọng.  

Ví dụ, công ty MyDoc đã cung cấp cho các bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh về đường hô hấp quyền truy cập vào hệ thống chẩn đoán COVID-19. Ứng dụng Gojek và Halodoc cộng tác với Bộ Y tế Indonesia triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến giúp sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19.

Giải pháp số đặc biệt phù hợp với khu vực Đông Nam Á, nơi người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, để duy trì sự bùng nổ nhờ đại dịch này, ngành công nghệ y tế cần hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các mô hình kinh doanh cần được phát triển hơn nữa để tạo ra lợi nhuận bền vững. 

Tương tự, công nghệ giáo dục có lượng người dùng các ứng dụng hàng đầu tăng gấp 3 lần ở Đông Nam Á. Để duy trì đà tăng trưởng đó, một hệ sinh thái giáo dục lớn hơn cần phát triển, tích hợp tính hiệu quả của các giải pháp công nghệ giáo dục khác nhau.

Các mô hình giáo dục trực tuyến cần phát triển vượt ra ngoài các bài giảng trực tuyến hoặc phiên bản số hóa của giáo trình đơn thuần. Bên cạnh đó, tồn tại những vấn đề lớn hơn liên quan đến tính kết nối và công cụ cần thiết để đáp ứng nhu cầu học trực tuyến. 

Nhìn chung, nhu cầu tăng mạnh và nguồn vốn đầu tư dồi dào có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực kỹ thuật số “non trẻ” này trong những năm tới. 

Đối với các lĩnh vực dịch vụ số “trưởng thành” hơn như thương mại điện tử, vận tải và lương thực, đi lại và truyền thông, các bên tham gia cần hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Trước đây, các nhà đầu tư mong muốn chứng kiến doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng quy mô và giờ đây, họ muốn lợi nhuận bền vững.

Trong khi đầu tư vào những dịch vụ “tuyến đầu” mới gia tăng, vốn tài trợ cho những lĩnh vực “trưởng thành” đã chậm lại kể từ năm 2018. Các công ty cần tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi để ưu tiên con đường đạt được lợi nhuận đồng thời đáp ứng những yêu cầu của các mối quan hệ đối tác.

“Chiến trường” các dịch vụ tài chính số đang nổi lên là một trong những không gian mới, nơi các "siêu ứng dụng" cạnh tranh với nhau. Tài trợ không ngừng và hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo ra thanh khoản mạnh mẽ là yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực này.

* Thay đổi để phát triển bền vững 

Những thay đổi về số lượng người dùng và hệ sinh thái trong năm 2020 đã thúc đẩy lĩnh vực Internet phát triển theo những cách thức không thể hình dung được, đặt lĩnh vực này vào một vị thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các bên tham gia thị trường có thể giúp thúc đẩy hệ sinh thái phát triển, từ đó giúp duy trì đà tăng tốc kỹ thuật số trên diện rộng.  

Đối với lãnh đạo các công ty và nhà đầu tư kỹ thuật số, tương lai sẽ đòi hỏi các công ty phải “xoay trục” từ tăng trưởng nhanh sang lợi nhuận bền vững. Các hệ sinh thái mở và bao trùm sẽ là yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng lành mạnh hơn và nhanh hơn.

Năm 2020, có sáu rào cản then chốt đối với tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số, đó là khả năng tiếp cận Internet, nguồn vốn, lòng tin người tiêu dùng, cơ chế thanh toán, logistics và nhân tài. Năm nay có sự tiến bộ đáng kể trong hầu hết những vấn đề này (đặc biệt là cơ chế thanh toán và lòng tin người tiêu dùng). Tuy nhiên, vấn đề nhân tài vẫn là rào cản then chốt cần được giải quyết để duy trì đà phát triển đã đạt được trong năm 2020.

Các nhà hoạch định chính sách công sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài kỹ thuật số. Chính sách về đi lại và nhập cư cần tính đến nhu cầu lao động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Chương trình đào tạo lại, bổ sung kỹ năng nghề nghiệp kỹ thuật số có thể cho phép người lao động tìm được việc làm trong môi trường tuyển dụng cạnh tranh hơn. 

Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng công để làm chất xúc tác cho tăng trưởng trong các lĩnh vực “chớm nở” như dịch vụ tài chính số, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục. Cuối cùng, sự hỗ trợ pháp lý và đối thoại cởi mở giữa tất cả các thực thể tham gia sẽ giúp hình thành và duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục