Lo ngại về an ninh lương thực do căng thẳng trên Biển Đỏ

06:30' - 16/03/2024
BNEWS Với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, việc tăng chi phí cơ bản có nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực lên an ninh lương thực và gây ra các loại hậu quả ở hạ nguồn.

Theo bài viết The Red Sea crisis, food insecurity and conflict đăng trên trang mạng aspistrategist.org.au ngày 14/3, các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ đã làm tăng thêm những lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhấn mạnh tình trạng mất an ninh lương thực có thể xảy ra. Đồng thời căng thẳng này cũng có thể là “mồi lửa” dẫn đến xung đột gia tăng ở Trung Đông và trên toàn thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, theo tác giả bài viết cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng kết hợp sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, giảm thiểu các yếu tố có thể gây gia tăng bạo lực, khủng bố và cướp biển, bao gồm cả tình trạng mất an ninh lương thực.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (LHQ) định nghĩa an ninh lương thực là "khi tất cả mọi người, vào mọi thời điểm đều có quyền tiếp cận về mặt vật lý, xã hội và kinh tế với thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích ăn uống để có một cuộc sống năng động và khỏe mạnh". Số liệu thống kê mới nhất của LHQ cho thấy hiện 691-783 triệu người trên thế giới không được đảm bảo an ninh lương thực, nhiều người trong số họ sống ở các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Gián đoạn giao thông hàng hải ở Biển Đỏ đã từng xuất hiện trong lịch sử. Với diễn biến mới nhất hiện nay, sự gián đoạn này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động lưu thông hàng hóa toàn cầu và giá cả hàng hóa bị đẩy lên mức cao hơn đối với một số quốc gia. Ước tính vận chuyển container toàn cầu đã chậm lại và 95% vận chuyển container đi qua Biển Đỏ giờ đây đã định tuyến lại vòng quanh Châu Phi. Trong một số trường hợp, hành trình của các con tàu dài thêm gần 5.000 km. Khoảng cách xa hơn đã làm tăng đáng kể chi phí của các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, đồng thời làm tăng giá lương thực và nông nghiệp.

Đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, việc tăng chi phí cơ bản có nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực lên an ninh lương thực và gây ra các loại hậu quả ở hạ nguồn, làm xói mòn sự thịnh vượng và an ninh, thúc đẩy xung đột.

Để đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ, Mỹ đã khởi xướng Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng đa quốc gia ở vùng biển xung quanh Yemen. Hoạt động này nhận được sự chứng thực ngầm từ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, được thông qua vào ngày 10/1. Nhưng có vẻ như Chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng sẽ chỉ đáp trả các cuộc tấn công của Houthi nếu lực lượng này phá hủy thành công các tàu dân sự hoặc quân sự. Một số người có thể cho rằng việc chậm trễ hai tháng trong công tác ứng phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi là một lỗ hổng trong hệ thống quốc tế bị khai thác.

Dù là do cố ý hay vô tình, ảnh hưởng từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã thúc đẩy xung đột trên biển. Các tổ chức phi nhà nước khác có thể lấy cảm hứng từ việc lực lượng Houthi sử dụng các cuộc tấn công này để đạt được các mục tiêu chính trị, tư tưởng và quân sự. Mối quan tâm đặc biệt là các nhóm chiến binh hoạt động xung quanh Bab el-Mendeb.

Ngoài thách thức trước mắt là khủng bố và nổi dậy trên biển, các sự kiện ở Biển Đỏ là lời nhắc nhở về vai trò của tình trạng mất an ninh lương thực trong xung đột. Như cựu giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley đã chỉ ra rằng “có rất nhiều thông tin về việc xung đột tác động đến an ninh lương thực như thế nào, nhưng có rất ít bằng chứng về việc mất an ninh lương thực có thể dẫn đến xung đột như thế nào hoặc an ninh lương thực có thể góp phần xây dựng các xã hội hòa bình hơn như thế nào”.

Tình trạng mất an ninh lương thực đôi khi có thể liên quan đến các yếu tố thúc đẩy xung đột: việc tuyển mộ chiến binh; tỷ lệ tử vong và bệnh tật làm suy yếu sự ổn định trong các xã hội vốn đã mong manh; tranh chấp đất đai và nước trong bối cảnh hạn chế về tài nguyên; sự di dời hàng loạt của những người không được đảm bảo an ninh lương thực. Nạn đói năm 1992 ở Somalia là minh chứng cho tình trạng mất an ninh lương thực có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Một điều đáng lưu ý là trong khi lực lượng Houthi tấn công các con tàu di chuyển trên Biển Đỏ, thì nạn đói đang hoành hành trên khắp Yemen, nơi 17 triệu người không được đảm bảo an ninh lương thực. Tình trạng mất an ninh lương thực chắc chắn đã tiếp tục làm suy yếu hòa bình và ổn định ở quốc gia này. Nó đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Trugn Động và được sử dụng để cực đoan hóa người Yemen theo mục đích của lực lượng Houthis. Các cuộc tấn công vào các vị trí và cơ sở của Houthi thông qua Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng hoặc bằng những cách khác theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an có thể làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo của Yemen nếu hành động đó gây tổn hại cho dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự.

Các chính phủ và các tổ chức đa phương, đặc biệt là thông qua LHQ cần nỗ lực đảm bảo thương mại hàng hải nhằm tránh tình trạng mất an ninh lương thực góp phần làm gia tăng xung đột ở Trung Đông và hơn thế nữa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục