Lo ngại về tương lai kinh tế Trung Quốc nhìn từ "thành phố kỳ diệu" Thâm Quyến

17:42' - 13/06/2022
BNEWS Thâm Quyến đã chuyển mình từ chỗ chỉ là một làng chài trở thành một cảng lớn của thế giới, nơi tập trung các công ty công nghệ, tài chính, bất động sản và chế tạo hàng đầu của Trung Quốc.

Được thành lập năm 1979 trong làn sóng cải cách kinh tế đầu tiên ở Trung Quốc, cho phép các doanh nghiệp tư đóng một vai trò trong hệ thống do nhà nước quản lý, Thâm Quyến đã chuyển mình từ chỗ chỉ là một làng chài trở thành một cảng lớn của thế giới, nơi tập trung các công ty công nghệ, tài chính, bất động sản và chế tạo hàng đầu của Trung Quốc.

 

Trong bốn thập niên sau đó, thành phố này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ít nhất là 20%. Gần đây nhất, vào tháng 10/2021, Oxford Economics dự báo Thâm Quyến sẽ trở thành thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Tuy nhiên, thành phố này đã để mất vị trí dẫn đầu vào tay thành phố San Jose, ở Silicon Valley, bang California của Mỹ. Thâm Quyến chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2% trong quý I/2022, mức thấp nhất của thành phố này, không tính quý I/2020, khi làn sóng dịch đầu tiên bùng phát tại Trung Quốc.

Thâm Quyến vẫn là thành phố dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, nhưng khối lượng hàng xuất đi giảm gần 14% trong tháng Ba, do các biện pháp phong tỏa gây tắc nghẽn cảng tại đây.

Thành phố này vẫn được xem là địa điểm kinh doanh lý tưởng nhất và năng động nhất ở Trung Quốc và là thắng lợi của những cải cách kinh tế tại nước này. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi đây là "thành phố kỳ diệu" trong chuyến thăm vào năm 2019.

Nếu Thâm Quyến có vấn đề, đây là dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thâm Quyến, hiện là thành phố có khoảng 18 triệu dân, chịu tác động liên tiếp từ những yếu tố bên trong và bên ngoài.

Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến là Huawei Technologies và ZTE Corp nằm trong "danh sách đen" về thương mại của Mỹ do các lo ngại về an ninh và do việc chuyển công nghệ của Mỹ cho Iran.

Một công ty lớn khác là tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande đã đứng trước nguy cơ phá sản trong năm ngoái do gánh nặng nợ, điều có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Tập đoàn bảo hiểm Ping An Insurance Group Co lớn nhất của Trung Quốc đã chịu thiệt hại lớn với các khoản đầu tư liên quan đến bất động sản.

Thậm chí, các công ty nhỏ hơn cũng chịu tác động. Amazon.com Inc năm ngoái cũng siết chặt quy định đối với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng của mình, ảnh hưởng đến hơn 50.000 công ty thương mại điện tử, trong đó nhiều công ty có trụ sở tại Thâm Quyến.

Bên cạnh đó, Thâm Quyến đã bị phong tỏa trong một tuần của tháng Ba nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Việc phong tỏa Thâm Quyến cùng với các thành phố khác đã làm giảm nhu cầu trong nước với các hàng hóa được sản xuất tại Thâm Quyến. Mức tăng trưởng kinh tế 2% tại thành phố này trong quý I là chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh cũng giảm gần 1/3.

Các nhà chức trách Thâm Quyến hồi tháng Tư đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Nam Trung Quốc, Klaus Zenkel, cho rằng Thâm Quyến đang mất đi sự hấp dẫn và các nhà chức trách thành phố này cần nhận thấy điều đó. Điều quan trọng là phải cân bằng giữa những hạn chế và tăng trưởng kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục