Lối sống "ít carbon" có thể giúp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu

14:03' - 16/11/2021
BNEWS Các chuyên gia Canada cho biết, một lối sống "ít carbon" của người tiêu dùng có thể giúp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.

Có quan niệm khá phổ biến rằng các lựa chọn cá nhân ít ảnh hưởng đến việc giảm lượng khí thải carbon, vì các tập đoàn toàn cầu, chẳng hạn như những nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, mới là thủ phạm "đóng góp" phần lớn trong tổng lượng khí thải CO2.

Giáo sư Lloyd Alter thuộc Đại học Ryerson bác bỏ quan niệm này và biện luận rằng các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng mua. Hay nói cách khác, chúng ta đang mua những thứ mà các doanh nghiệp này bán.

Nhiều người cho rằng quy mô của tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi một sự thay đổi mang tính hệ thống, chứ không đơn giản chỉ tập trung vào các quyết định cá nhân.

Nhưng Giáo sư Alter nhấn mạnh rằng trong khi các chính phủ có vai trò trong các chính sách nhất định, chẳng hạn như quy hoạch giao thông và đô thị, thì người tiêu dùng có thể mua sắm theo cách để hạn chế khí hậu nóng lên, như chọn các thực phẩm ít carbon, mua một ngôi nhà hay phương tiện giao thông phát thải thấp - và về cơ bản, đó hoàn toàn là những lựa chọn cá nhân.

J.B. MacKinnon, tác giả của cuốn sách "Ngày cả thế giới ngừng mua sắm" cho rằng nhu cầu cấp bách hiện nay không chỉ là "tiêu dùng xanh" mà còn phải giảm bớt tiêu dùng.

Theo ông MacKinnon,"hành tinh thực sự cần chúng ta ngừng tiêu thụ quá nhiều, nhưng nền kinh tế dường như cần chúng ta tiêu thụ ngày một nhiều hơn". Hoạt động sản xuất hàng hóa để lại "dấu ấn" đáng kể.

Theo số liệu từ Apple, 84% tổng lượng khí thải carbon của chiếc điện thoại iPhone 13 Pro là từ quá trình sản xuất sản phẩm này.

Theo ông McKinnon, kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, lượng khí thải carbon toàn cầu chỉ giảm trong những thời kỳ sức tiêu thụ giảm, chẳng hạn như trong những giai đoạn nền kinh tế suy thoái và đại dịch COVID-19 diễn ra.

Vào năm 2020, trong bối cảnh hoạt động kinh tế và du lịch giảm mạnh do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, lượng khí thải carbon dioxide đã giảm hơn 6%.

Đại dịch dẫn đến lượng khí thải toàn cầu giảm mạnh nhất từ trước đến nay, nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Adria Vasil, chủ bút tờ Corporate Knights, nói rằng sự can thiệp của chính phủ cũng rất cần thiết.

Ở một quốc gia có vị trí địa lý rộng lớn như Canada, ô tô riêng và máy bay có thể cần thiết do khoảng cách xa và thiếu các lựa chọn thay thế, chẳng hạn như mạng lưới đường sắt tốc độ cao.

Cần phải xem xét tình trạng ô nhiễm một cách hệ thống và tìm giải pháp để các hãng hàng không xanh hóa nhiên liệu cho đội bay của họ, cũng như để tất cả các ngành công nghiệp khử cacbon nhanh chóng.

Trong bối cảnh nhiệt độ trung bình của thế giới đã tăng hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp giai đoạn 1850-1900, chính phủ Canada đã triển khai các bước đi tích cực, như áp dụng cơ chế định giá carbon,..để hạn chế biến đổi khí hậu.

Nhưng theo một số nghiên cứu, với tốc độ trung bình của quá trình khử cacbon được quan sát từ năm 2015 đến năm 2019, Canada sẽ mất hơn 188 năm để khử hoàn toàn cacbon trong hệ thống năng lượng của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục