Lý do Anh không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit?

06:00' - 23/04/2020
BNEWS Bất chấp sức ép từ cả trong và ngoài nước, Chính phủ Anh đến thời điểm này vẫn khẳng định không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit sau ngày 31/12/2020.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/4, Trưởng đoàn đàm Brexit của Anh, ông David Frost, và người đồng cấp phía Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier, đã nối lại các cuộc thảo luận qua video. Hai bên nhất trí cần nối lại các cuộc đàm phán trực tuyến, sau hai tháng gần như không triển khai gì do tác động của tình hình dịch bệnh. 

Tuy nhiên, theo tờ The Economist của Anh, phần lớn các nhà ngoại giao đều cho rằng tiến trình đàm phán sắp tới cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Thực tế này khiến thời hạn chót vào cuối năm nay để đạt được một thỏa thuận thương mại càng trở nên xa vời. 

Khi giai đoạn chuyển tiếp được đề xuất lần đầu tiên, phương án đưa ra là kéo dài 21 tháng. Hiện tại chỉ còn hơn 6 tháng để hai bên đạt được thỏa thuận, mà thực tế cho thấy là thời gian quá gấp để kịp đàm phán và phê chuẩn từ hai phía. 

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến hầu hết mọi sự kiện quan trọng khác trên toàn cầu đều phải hoãn lại, từ Thế vận hội Olympic cho đến hội nghị thượng đỉnh COP 26 về biến đổi khí hậu. Vậy tại sao Anh vẫn không dùng đến điều khoản trong thỏa thuận Brexit với quy định trước cuối tháng Sáu hai bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn chuyển tiếp thêm từ 1 đến 2 năm?

Các quan chức của cả hai bên lúc này đều cho rằng việc gia hạn thời gian chuyển tiếp là dễ hiểu, do tác động tiêu cực của Brexit không thỏa thuận đối với nền kinh tế, nhất là trong trong bối cảnh dịch COVID-19. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số cử tri Anh đều chấp nhận việc kéo dài thời gian chuyển tiếp. Tuy nhiên, Chính phủ Anh kiên quyết khẳng định sẽ không đề nghị.

Tính toán phía sau sự kiên quyết này hoàn toàn là vấn đề chính trị. Một khi bàn đến vấn đề Brexit, Thủ tướng Boris Johnson và đội ngũ cố vấn đều rất “dị ứng” với việc bỏ lỡ các “thời hạn chót”. Chính phủ hiện tại luôn tự so sánh với cựu Thủ tướng Theresa May và Quốc hội cũ. Mục đích của việc giành đa số trong bầu cử sớm tháng 12 năm ngoái là để tránh bị sa lầy trong nỗi sợ hãi về kịch bản không thỏa thuận và đi kèm với nó là không biết bao nhiêu vòng đàm phán theo điều khoản mà EU đặt ra.

Nhiều nhân vật ủng hộ Brexit cũng coi giai đoạn chuyển tiếp như một dạng tư cách “chư hầu”, vì đòi hỏi Anh phải tuân thủ hầu hết các quy định của EU mà lại không có tiếng nói gì, và lại phải đóng góp nghĩa vụ tài chính. Bất cứ sự gia hạn nào sau ngày 31/12/2020 cũng đi kèm với nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh cho EU với mức có thể lên tới 800 bảng (1 tỷ USD) mỗi tháng.

Trong khi đó thêm 12 tháng đàm phán nữa cũng chưa chắc đã đủ mang lại thỏa thuận do lập trường cứng rắn của cả hai bên. Còn về những thiệt hại nếu rời đi mà không có thỏa thuận thương mại, phe ủng hộ Brexit cho rằng những con số đã bị thổi phồng lên và đằng nào cũng có thể tính gộp vào những hậu quả của COVID-19.

Trong khi đó việc ở lại trong thị trường chung và liên minh thuế quan của EU sang năm 2021 cũng sẽ loại trừ khả năng ký kết sớm các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và các nước khác, đồng thời kéo dài thời gian Anh phải áp dụng các quy định của EU.

Những người kêu gọi kéo dài chuyển tiếp đều chủ yếu là phe Ở lại – những người đến giờ này vẫn còn nghi ngờ lựa chọn của Thủ tướng Boris Johnson về phương án Brexit cứng rắn nhất có thể, khiến phe Ra đi càng tin rằng có gia hạn thời gian chuyển tiếp để ở lại thêm bao lâu thì vẫn không thể thuyết phục được phe Ở lại ủng hộ mình.

Giới nghiên cứu Anh cho rằng vẫn có khả năng xảy ra trường hợp kéo dài thời hạn chuyển tiếp, tùy thuộc vào tâm lý của các chính trị gia như thế nào vào tháng Sáu tới. Khả năng này cũng càng có thể trong trường hợp EU chấp nhận khẳng định thời gian chuyển tiếp dự kiến dù có là bao nhiêu vẫn có thể được rút ngắn ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, ví dụ như ngay đầu năm 2021.

Một ý tưởng khác là loại trừ vấn đề ai là người đứng ra đề nghị gia hạn. EU đã tuyên bố là khối này sẽ hoan nghênh đề nghị gia hạn, nhưng cũng tuyên bố hoàn toàn phụ thuộc vào Chính phủ Anh có đề xuất hay không. Để loại trừ khả năng bế tắc do không bên nào chịu xuống thang trước, có ý kiến đề xuất rằng ủy ban hỗn hợp phụ trách Brexit có thể lẳng lặng đồng ý đề xuất gia hạn trong phiên họp vào đầu tháng 6/2020, qua đó sẽ tránh cho bất kỳ bên nào chịu tiếng là đứng ra đề nghị trước.

EU cũng được đề nghị cần linh hoạt hơn. Tuy nhiên, khả năng Chính phủ Anh sẵn sàng chấp thuận việc xin gia hạn vào tháng Sáu tới vẫn là rất khó xảy ra. Và đáng tiếc là sẽ không có lựa chọn lần lữa chờ đến tháng 11 hoặc tháng 12/2020, vì điều khoản kéo dài trong thỏa thuận Brexit sẽ hết hiệu lực trong tháng Sáu.

Sau đó thì bất kỳ việc kéo dài nào cũng sẽ đòi hỏi một hiệp định hoàn toàn mới, với sự phê chuẩn của tất cả quốc hội các nước thành viên EU. Thực tế khó khăn là hoặc là tháng 6/2020 hoặc sẽ không bao giờ, và hiện tại thì khả năng “không bao giờ” vẫn là cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục