Lý do IEA dự báo nguồn cung dầu sẽ dư thừa vào cuối thập kỷ này

05:30' - 21/06/2024
BNEWS IEA cho rằng tình trạng dư thừa dầu là “đáng kinh ngạc”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thường có quan điểm khác nhau khi đưa ra dự báo về triển vọng thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, hiếm khi dự báo của hai tổ chức này có sự khác biệt lớn như hiện nay.
 
Trong báo cáo thường niên, được công bố tuần trước (10-15/6), IEA đã nói rằng tình trạng dư thừa dầu là “đáng kinh ngạc” - 8 triệu thùng/ngày - vào cuối thập kỷ này, khi các công ty dầu mỏ tăng sản lượng khai thác trong bối cảnh nhu cầu suy yếu.
 
Nhận định của IEA ngay lập tức đã khiến OPEC phản ứng. Tổ chức này quan ngại bình luận trên có thể dẫn đến biến động ở quy mô chưa từng có trên thị trường dầu. OPEC nhấn mạnh thế giới cần tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ nữa và dự kiến nhu cầu về dầu sẽ vẫn tăng cho đến năm 2045, nếu không muốn nói là xa hơn.
 
Cả hai tổ chức nói trên - IEA cung cấp phân tích cho người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển và OPEC đưa ra dự báo cho các nhà sản xuất - đều có những cơ sở tin cậy trong việc đưa ra dự báo về triển vọng cung và cầu dầu mỏ. Sự khác biệt, nếu có, liên quan tới tốc độ cắt giảm lượng khí thải carbon toàn cầu mà thế giới có thể đạt được và quan trọng hơn là tỷ lệ sử dụng xe điện và năng lượng Mặt Trời.
 
IEA cho rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và bắt đầu giảm từ năm 2030 khi việc triển khai xe điện và các công nghệ năng lượng sạch tăng tốc. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt 105,4 triệu thùng/ngày vào năm 2030 (nhiều hơn khoảng 4 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2023), trong khi sản xuất vào thời điểm đó sẽ là 113,8 triệu thùng/ngày.
 
Đây sẽ là mức dư cung lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19. Nhu cầu dầu vào năm 2030 tại các nền kinh tế phát triển sẽ nằm dưới ngưỡng 43 triệu thùng/ngày - ít hơn ba triệu thùng/ngày so với năm 2023 - tương đương mức yếu nhất kể từ năm 1991.
 
Nếu những dự báo của IEA là đúng thì giá dầu sẽ thấp hơn rất nhiều mức giá hiện nay (các thị trường đang giao dịch ở mức giá khoảng 82 USD/thùng) và phần lớn các khoản đầu tư ngày càng tăng của các công ty dầu mỏ sẽ tạo ra lợi nhuận dưới mức tối ưu.
 
Năm ngoái, vốn đầu tư rót vào lĩnh vực dầu khí đạt gần 540 tỷ USD, nhiều nhất kể từ năm 2019. Các công ty dầu lớn, ngay cả những công ty đã cam kết đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cũng đang tăng cường kế hoạch đầu tư trong tương lai.
 
Mặc dù dự báo sản lượng khai thác dầu sẽ vượt nhu cầu vào cuối thập kỷ này, nhưng IEA cho biết nhu cầu vẫn sẽ tăng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày từ mức hiện tại trước khi chạm đỉnh. Các nhà phân tích của IEA tin rằng thị trường sẽ cần thêm 1,2 triệu thùng dầu/ngày để cân bằng nguồn cung trong nửa cuối năm nay.
 
OPEC và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+ đã cắt giảm sản lượng trong 18 tháng qua, khiến nguồn cung bị giảm khoảng 6 triệu thùng/ngày.
 
Đến đầu tháng này, các nhà lãnh đạo OPEC đã thống nhất gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng kéo dài tới cuối năm sau, nhưng đồng thời lại cho phép một số thành viên chủ chốt dỡ bỏ dần dần các lệnh cắt giảm tự nguyện trong cùng khoảng thời gian đó.
 

OPEC cho biết cần tăng nguồn cung thêm 2,7 triệu thùng/ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của năm nay. Mặc dù kế hoạch khôi phục sản lượng mà tổ chức này đưa ra có tính linh hoạt - nó có thể tạm dừng hoặc đảo ngược quyết định tăng sản lượng - nhưng nó cho thấy sự thiếu tự tin của OPEC vào chính các dự báo của mình.

Hơn nữa, đây là bức tranh minh họa về tính khó dự đoán của các sự kiện, khiến cho thị trường dầu trở nên cực kỳ nhạy cảm với những ảnh hưởng bên ngoài.
 
Đại dịch, xung đột ở Ukraine và Trung Đông, điều kiện kinh tế thay đổi hay sự bất ổn định của các chính phủ tại các nền kinh tế phát triển, là những nhân tố có thể ảnh hưởng tới thị trường dầu trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
 
Trong dài hạn, tốc độ mà thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển và Trung Quốc, di chuyển để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ định hình cả hai mặt của phương trình cung và cầu, đồng thời việc sử dụng xe điện và đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng.

IEA cho biết đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, so với “chỉ” 1.000 tỷ USD đầu tư vào dầu, khí đốt và than đá. Trung Quốc đóng vai trò là “người chơi” và nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng sạch - chiếm khoảng 1/3 tổng số - tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đó là thông tin tốt. Ngoài ra còn có một số diễn biến kém tích cực hơn.
 
Doanh số bán xe điện toàn cầu vào năm ngoái cao hơn khoảng 35% so với năm 2022 và doanh thu tiếp tục tăng lên trong năm nay, nhất là ở Trung Quốc. Nhưng nguồn cung bắt đầu dư thừa và lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất xe điện ngày một tăng. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với các tấm pin năng lượng Mặt Trời.

Tăng trưởng nhu cầu dường như đã bị giảm tốc bất chấp tình trạng dư thừa công suất và cuộc chiến giá cả gay gắt đã làm giảm giá bán xe điện ở những nền kinh tế không có hàng rào thuế quan cao.

Sắp tới, tình hình sẽ còn phức tạp hơn. Nhu cầu về xe điện và pin năng lượng Mặt Trời sẽ không được hỗ trợ bởi mức thuế hải quan mới mà EU áp dụng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và các rào cản thuế quan mà EU và Mỹ dự kiến áp dụng đối với các tấm pin năng lượng Mặt Trời.

Thuế quan đối với xe điện giá rẻ và sản phẩm năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc sẽ đẩy giá thành lên cao và làm giảm mức độ phủ sóng của các sản phẩm này ở châu Âu và Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Biden đã áp mức thuế lên tới 100% đối với xe điện của Trung Quốc và thuế 50% đối với các tấm pin Mặt Trời trong nỗ lực bảo vệ doanh nghiệp nội địa và khuyến khích sản xuất trong nước.

Một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã quyết định hạ thấp nỗ lực phát triển xe điện của họ, tập trung đầu tư nhiều hơn vào động cơ đốt trong và hybrid (xe lai giữa điện và xăng) khi nhận thấy nhu cầu đang tăng chậm lại.

Nếu các mục tiêu tích cực về xe điện và năng lượng tái tạo không được đáp ứng, dự báo của IEA về tình trạng dư thừa dầu khổng lồ vào năm 2030 có thể sẽ trở thành “quá mức”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục