Maersk sẽ cho gần như toàn bộ tàu đi qua kênh đào Suez

10:53' - 29/12/2023
BNEWS Theo lịch trình của hãng vận tải biển Maersk, từ nay hãng sẽ cho gần như toàn bộ tàu vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu của hãng qua kênh đào Suez và chỉ chuyển hướng số ít tàu qua châu Phi.

Nhiều hãng vận tải hàng đầu thế giới, trong đó có Maersk và Hapag-Lloyd, đã dừng sử dụng tuyến đường qua Biển Đỏ, sau khi lực lượng Houthi trong tháng này đã bắt đầu nhắm đến các tàu thương mại, làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu qua kênh đào Suez. Thay vào đó, các công ty này chuyển sang tuyến đường vòng qua phía Nam châu Phi, làm cho quãng đường di chuyển trở nên dài hơn và tốn kém hơn. Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất nối châu Á và châu Âu.

 

Nhưng hãng tàu Maersk của Đan Mạch cuối tuần trước cho biết đang chuẩn bị nối lại hoạt động vận chuyển tại khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden, nhờ việc triển khai sáng kiến đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực này do Mỹ phát động. Và mới đây, hãng này đã công bố lịch trình cho thấy các tàu của hãng sẽ đi qua kênh đào Suez trong những tuần tới.

Theo lịch trình này, dù Maersk đã chuyển hướng 26 tàu trong đội tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi trong khoảng 10 ngày qua, thì hiện chỉ còn 5 tàu được lên lịch đi cung đường này. Còn hơn 50 tàu của Maersk dự kiến sẽ đi qua kênh đào Suez trong những tuần tới.

Maersk cho biết đối tác liên kết Mediterranean Shipping Company (MSC) tiếp tục chuyển hướng tất cả tàu của MSC đi vòng qua Mũi Hảo Vọng trong khoảng thời gian hiện tại, bất kể ngày và thời điểm xuất phát cũng như hướng tàu đang đi. MSC chưa có bình luận gì về việc này.

Lịch trình cho thấy trong số các tàu của bên thứ ba khác có liên kết với Maersk có lịch khởi hành trong những tuần tới, hai tàu sẽ được chuyển hướng đi vòng qua châu Phi, trong khi số còn lại sẽ đi qua kênh đào Suez.

Maersk cho biết tất cả lịch trình đều có thể có sự thay đổi dựa trên các kế hoạch dự phòng cụ thể sẽ được đưa ra trong những ngày tới.

Hapag Lloyd mới đây cho biết hãng này cho rằng tình hình hiện tại vẫn nguy hiểm và dự kiến sẽ đánh giá lại tình hình vào ngày 29/12.

Kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển khoảng 1/3 lượng hàng hóa được chuyên chở bằng tàu chở container trên toàn cầu. Việc chuyển hướng tàu đi vòng qua cực Nam châu Phi được dự đoán sẽ làm phát sinh thêm đến 1 triệu USD chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến tàu khứ hổi giữa châu Á và Bắc Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục