“Mật mã” đằng sau tuyên bố thổi bùng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump (Phần 2)

05:30' - 13/05/2020
BNEWS Điều đó có nghĩa ông Mnuchin ngầm bảo rằng nếu phía Trung Quốc tuân thủ cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, phía Mỹ sẽ không gia tăng biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 9/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox Business News, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin cũng đưa ra quan điểm tương tự khi nói rằng “tôi có đầy đủ lý do dự đoán họ (Trung Quốc) sẽ tuân thủ thỏa thuận”. 

Điều đó có nghĩa ông Mnuchin ngầm bảo rằng nếu phía Trung Quốc tuân thủ cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, phía Mỹ sẽ không gia tăng biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, phát biểu của cấp dưới mâu thuẫn với cấp trên, nhưng thực chất không phải vậy. Sự cứng rắn của ông Trump có thể chỉ là ngôn ngữ phục vụ bầu cử còn cách biểu thị của cấp dưới mới là đường lối chính sách lý tính của Nhà Trắng. Ê kíp Nhà Trắng không muốn thổi bùng ngọn lửa cuộc chiến thương mại trở lại, chủ yếu là do:
Thứ nhất, phía Mỹ không muốn tự hủy hoại thành tích chính trị của mình. Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Chính quyền của ông Trump bảo lưu hầu hết các biện pháp thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, đã thành công đổi lại việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ.

Đây là một trong những thành tích chính trị quan trọng của chính quyền khóa này. Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan mới mang tính trừng phạt vào lúc này, phía Trung Quốc sẽ trả đũa, không thực hiện thỏa thuận. Việc này không khác nào phía Mỹ tự hủy bỏ thỏa thuận.
Thứ hai, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế Mỹ bị giáng đòn nặng nề, ngay cả các cố vấn của ông Trump cũng cảnh báo GDP của nước này có thể giảm 40%, thất nghiệp tăng lên 20%.

Nói cách khác, kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng yếu ớt. Nếu lúc này mà tái phát cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì chẳng khác nào “phủ thêm tuyết lên mùa Đông kinh tế” của Mỹ, đồng nghĩa với việc cả hai nước đều bị thiệt hại lớn.

Các nhà quan sát chỉ rõ năm 2019, kinh tế vững mạnh, Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể chịu được đòn trả đũa của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, tình hình đã khác, nếu Washington phát động cuộc chiến thương mại mới với Bắc Kinh thì e rằng đó là cuộc chiến thương mại theo kiểu “tự hủy diệt”.
Do đó, tuyên bố áp đặt biện pháp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc có thể là “sự trừng phạt” đối với sai lầm của Trung Quốc trong xử lý dịch bệnh của ông Trump hôm 3/5 có thể chỉ là “ngôn ngữ bầu cử” trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Ông Trump muốn thể hiện sự cứng rắn đối với Trung Quốc chứ không phải “thân Trung Quốc” như đối thủ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, ông Trump cũng muốn tìm một số lý do để đối phó với sự chỉ trích của dư luận trong nước về việc chống dịch không hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục