Nắm chắc quy định để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Myanmar

18:00' - 17/04/2018
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar cần có những chiến lược dài hơi và sự kiên nhẫn bởi những chính sách đầu tư vào thị trường này hoàn toàn không đơn giản.
Đạm Phú Mỹ xuất khẩu phân bón sang Myanmar. Ảnh: PVFCCo

Bên cạnh các thị trường truyền thống lớn, vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã mở hướng xuất khẩu sang Myanmar. Tuy nhiên, đây không phải là một thị trường dễ dàng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar cần có những chiến lược dài hơi và sự kiên nhẫn bởi những chính sách đầu tư vào thị trường này hoàn toàn không đơn giản.

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 40 năm qua và không ngừng phát triển. Hơn nữa, Myanmar còn là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển, với nguồn tài nguyên phong phú và diện tích lớn thứ hai trong ASEAN.

Đáng lưu ý, những năm gần đây cho thấy quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Tốc độ buôn bán hai chiều đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 27,3%/năm ghi nhận trong giai đoạn 2010-2016 và đạt mức tăng 50,9% trong năm 2017.

Nếu như năm 2010, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Myanmar chỉ đạt 152 triệu USD thì đến năm 2017, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - Myanmar đạt kỷ lục mới 828 triệu USD, tăng 50,9% tương ứng tăng 280 triệu USD so với một năm trước đó.

Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước đã có sự đảo chiều từ năm 2012. Nếu như trước đó, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với Myanmar thì đến năm 2012 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang thị trường này.

Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam lần đầu tiên đạt được mức thặng dư 8,3 triệu USD trong trao đổi hàng hóa với quốc gia này. Thặng dư thương mại tiếp tục được duy trì cho đến nay với mức thặng dư ngày càng tăng cao. Năm 2017, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quan hệ xuất nhập khẩu với Myanmar đã đạt 375 triệu USD.

Mặt khác, về thứ hạng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Myanmar cũng có những thay đổi tích cực. Nếu như trong năm 2010 Myanmar chỉ là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 55 của Việt Nam trên thế giới thì bước sang năm 2017, quốc gia này đã tăng lên 12 bậc và xếp ở vị trí thứ 43.

Tuy nhiên, các tính toán cho thấy tổng trị giá giao thương 2 chiều giữa Việt Nam-Myanmar vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ chiếm 0,2% trong năm 2017. Nếu chỉ tính riêng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Myanmar cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ chưa đến 2%.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Myanmar trong năm 2017 tăng mạnh so với năm trước chủ yếu ở mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Myanmar bao gồm hàng rau quả các loại; kim loại thường khác; ngô…

Ông Vũ Cường, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, các sản phẩm Việt Nam được khách hàng Myanmar khá ưa chuộng, do chất lượng tốt và giá cả thấp so với 2 đối thủ cạnh tranh hàng tiêu dùng chính là Trung Quốc và Thái Lan.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sang Myanmar cũng đã được Bộ Công Thương và địa phương tổ chức thường xuyên. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sớm nhất tại Myanmar.

Tuy nhiên, ông Vũ Cường cũng thừa nhận những khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này cũng không hề nhỏ bởi hàng Việt Nam chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác có sản phẩm tương đồng. Không những thế, hàng hóa Việt Nam còn gặp bất lợi về thời gian vận chuyển dài, chi phí vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, thủ tục hải quan và kiểm dịch của Myanmar còn chậm, hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm thực phẩm chế biến ăn liền có thời hạn sử dụng ngắn. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu thông tin, chưa chủ động nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng thị trường Myanmar.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn năng lực tài chính còn hạn chế, chưa xây dựng chiến lược bài bản khi thâm nhập thị trường Myanmar. Điều này rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với các doanh nghiệp có tiềm lực và làm ăn chuyên nghiệp của Thái Lan, Trung Quốc.

Vẫn khó trong chính sách

Hiện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất vào Myanmar với cam kết đầu tư gần 1,4 tỷ USD để liên doanh làm mạng di động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Viettel Myanmar, một trong những cái khó khi hoạt động tại thị trường này là vấn đề pháp lý.

Ở Việt Nam để xây một trạm thu và phát sóng di động (BTS) chỉ cần có 2-3 giấy phép của sở thông tin truyền thông, sở xây dựng. Còn để làm được điều này ở Myanmar, doanh nghiệp phải xin tới 7 giấy phép, từ người dân đến các cơ quan có thẩm quyền từ thấp đến cao.

Ngoài sự chấp thuận của Chính phủ và bộ, ban, ngành chủ quản, doanh nghiệp nước ngoài dù có đầu tư lớn vẫn phải tiếp tục làm việc ở các bang, quận huyện để hoàn thành hàng loạt thủ tục khác.

Ông Nguyễn Thanh Nam cũng nhấn mạnh: Sở dĩ vậy bởi Myanmar đang trong quá trình hội nhập nên luật của họ liên tục được cập nhật, thay đổi. Vì vậy các doanh nghiệp luôn phải chủ động tìm hiểu.

Chia sẻ thêm những quy định của thị trường này, ông Đặng Hải Nhã, Giám đốc chi nhánh Yangon của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay: Tình trạng cùng một văn bản nhưng cách hiểu của cơ quan quản lý nhà nước các địa phương của Myanmar khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều luật quy định rất chung và ngắn ngủi trong vài trang, rất khó hiểu. Doanh nghiệp phải có nhiều thời gian tìm hiểu để biết cách áp dụng.

Không những thế, Myanmar có những quy định rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, như không được đứng tên nhập khẩu hàng vào nước này mà phải thông qua một đại lý phân phối là doanh nghiệp bản địa.

Đặc biệt, cũng đã có một số doanh nghiệp Việt sang mở doanh nghiệp ở Myanmar nhưng do người bản địa đứng tên. Đây là cách làm mà nếu có tranh chấp thì người Việt sẽ thua thiệt.

Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng.

Cùng đó, cần nắm rõ về chính sách thuế, hải quan, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp.

Thương vụ Việt Nam tại thị trường này khuyến cáo doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa cần chú ý ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ nhận biết.

Hơn nữa, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Myanmar khá dài sẽ là một trở ngại buộc doanh nghiệp phải tính toán kỹ để đảm bảo thời gian giao hàng mà vẫn tiết kiệm chi phí vận chuyển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục