Nâng cao kiến thức Hiệp định EVFTA và chứng nhận xuất xứ ưu đãi thuế cho doanh nghiệp

12:00' - 23/09/2022
BNEWS Bằng việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ góp phần gia tăng phúc lợi kinh tế, chuyển hướng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường châu Á và các nước trong khu vực sang thị trường châu Âu.

Ngày 22/9, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị “Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tận dụng các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) và chứng nhận xuất xứ ưu đãi thuế” dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, Hiệp định EVFTA được thực thi giúp Việt Nam mở rộng cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ EU, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thuận lợi cho thị trường của Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực như: dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến.

Bằng việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ góp phần gia tăng phúc lợi kinh tế, chuyển hướng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường châu Á và các nước trong khu vực sang thị trường châu Âu.

Người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực, như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng...

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU, nhất là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Ông Hà Vũ Sơn cho biết, hội nghị là một trong những giải pháp thiết thực mà Sở Công Thương Cần Thơ thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao kiến thức, kỹ năng tận dụng các lợi thế từ Hiệp định EVFTA và chứng nhận xuất xứ ưu đãi thuế trong quá trình kinh doanh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất, sáng kiến của tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, để có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được nghe các diễn giả đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) tập huấn về chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi thuế, cập nhật các quy định mới cũng như các lưu ý đối với khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp cũng nêu các thắc mắc về những vấn đề cần chú ý khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đặc biệt là vào thị trường EU. Đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, công ty hiện đang xuất khẩu sang thị trường Đức.

Doanh nghiệp được khách hàng cho biết nếu có giấy chứng nhận mã số vùng trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định EVFTA. Do đó, công ty muốn biết cụ thể về vấn đề này.

Theo ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương), mã số vùng trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho một số mặt hàng nông sản như chuối, xoài hay mới nhất là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ; trong đó Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về chất lượng vùng trồng. Khi doanh nghiệp đã có giấy phép xuất khẩu gạo thì được quyền thực hiện xuất khẩu đi các thị trường.

Đối với Hiệp định EVFTA quy định, hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam là 80.000 tấn mỗi năm. Gạo khi xuất khẩu vào EU phải ứng tiêu chuẩn theo quy định của thị trường này và khi doanh nghiệp đã có giấy phép thì thực hiện xuất khẩu sang EU bình thường, không cần xin phép bên nào nữa.

“Không phải hàng hóa có tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp thì mới được hưởng ưu đãi thuế. Việc miễn thuế dựa vào hạn ngạch mà EU cấp cho gạo Việt Nam hàng năm. Nếu vượt mức hạn ngạch thì họ vẫn nhận nhưng sẽ đánh thuế”, ông Bình nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh cũng giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước.

Qua đó, giúp doanh nghiệp nắm chắc quy định cũng như ưu đãi của từng FTA, từ đó có chiến lược kinh doanh hiệu quả khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài./. 

>>>Phát triển ngành logistics từ tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục