Nâng cao năng lực cạnh tranh - Bài 2: Giải bài toán cắt giảm phát sinh chi phí

12:27' - 27/04/2019
BNEWS Trong bối cảnh chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng thì việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp đến giao dịch và nhận kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Trong bối cảnh chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng thì việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật chính là giải pháp hiệu quả nhất để giảm áp lực cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng việc ban hành nghị quyết 139/NQ - CP ngày 9/11/2018 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng tới năm 2021.

Nhưng để thật sự cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp, những người hoạch định chính sách cần phải luôn tư duy rằng “luật pháp rất đắt đỏ” để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngay từ đầu chứ không phải cứ ban hành ra rồi sửa đổi, thay thế.

Hơn nữa, cần cải tiến quy trình tổ chức thực hiện để thực thi pháp luật phải thực sự hiệu quả, giảm được tần suất đi lại, thời gian giải quyết thủ tục và nâng cao khả năng dự đoán kết quả cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa những trường hợp đến ngày nhận kết quả lại phải cung cấp thêm giấy tờ và thực hiện thêm các thủ tục.

Trong khi đó, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica Việt Nam cho rằng, cần phải cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng những biện pháp cụ thể, trực tiếp như cắt giảm số lượng quy định về pháp luật mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Với những quy định cần thiết cho sự quản lý cũng phải được cải cách quy trình thực hiện, xóa bỏ công đoạn, thao tác thừa và giảm bớt yêu cầu về chi phí đầu tư bổ sung.

Điển hình như trường hợp Nghị định 109/2010/NĐ - CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có quy định để trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có kho có khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát đạt công suất 10 tấn/giờ. Để đáp ứng yêu cầu đó, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư từ 20 -25 tỷ đồng.

Sau khi Nghị định 107/2018/NĐ - CP và Thông tư số 30/2018/TT - BCT của Bộ Công Thương xóa bỏ các yêu cầu này, doanh nghiệp có thể thuê kho và nhà máy xay xát mà không phải đầu tư xây dựng đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian để tập trung vào việc nâng cao chất lượng gạo để phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. cơ chế một cửa liên thông để giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong việc thanh toán thuế, phí, lệ phí qua mạng.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, hiện nay doanh nghiệp có thể làm tờ khai hải quan, lập bảng kê nộp thuế và nộp thuế xuất nhập khẩu trên cổng thanh toán điện tử hải quan mọi lúc, mọi nơi.

Với phương thức này, kết quả giao dịch nộp thuế được cập nhật nhanh chóng và hàng hóa được thông quan ngay sau đó.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, việc cắt giảm thủ tục hành chính và ứng dụng cơ chế một cửa liên thông có thể cắt giảm tới 70% thời gian thông quan hành hóa cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được một khoản lớn về chi phí thời gian, kho bãi, nhân sự và gia tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Là nơi tập trung số lượng doanh nghiệp và thu hút đầu tư lớn nhất cả nước, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu năm 2019 là tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quà cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh.

Theo đó, thành phố đã ban hành 40 thủ tục “một cửa điện tử” thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và tiến tới thực hiện một cửa điện tử đối với đăng ký đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Về thủ tục đầu tư, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức vận hành Tổ công tác liên ngành về đầu tư ngay trong quý 1/2019 với nhiệm vụ xác định cụ thể quy mô các dự án đầu tư, xây dựng quy trình thẩm định, xét duyệt, phê duyệt, đảm bảo thời gian xử lý giảm ít nhất 50% so với quy định hiện hành.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có hàng nghìn văn bản pháp luật ở các cấp từ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trong mỗi luật, nghị định, thông tư lại có rất nhiều quy định mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Do đó, việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cần được thực hiện trên diện rộng, đồng bộ bởi chỉ một vài bộ, ngành hay địa phương nỗ lực là chưa đủ để có thể cải thiện được hình ảnh, điểm số cũng như vị trí xếp hạng về chất lượng môi trường kinh doanh hay năng lực cạnh tranh của quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục