Nguyên nhân khiến giá than đá liên tục xác lập các kỷ lục mới

08:30' - 13/10/2021
BNEWS Nhu cầu than đá khổng lồ từ Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần khiến giá liên tục tăng cao. Mới đây, nhiên liệu hóa thạch này đã vượt ngưỡng 200 USD/tấn để đạt kỷ lục mới.
Nhu cầu than đá khổng lồ từ Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần khiến giá liên tục tăng cao. Ảnh: TTXVN

Nhật báo Le Monde số ra ngày 10/10 cho rằng cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhu cầu than đá khổng lồ từ Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần khiến giá liên tục tăng cao. Mới đây, nhiên liệu hóa thạch này lại vượt ngưỡng 200 USD/tấn để đạt kỷ lục mới. 

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, thế giới có lẽ lại cần đến nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất trên thế giới hơn bao giờ hết.

Không chỉ đối với châu Âu, nơi giá khí đốt liên tục tăng cao, mà ở cả châu Á, nơi nhập khẩu đến 80% sản lượng than của thế giới. 

Hai nước nhập khẩu than lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

Bất chấp tham vọng về môi trường, Trung Quốc đã không thể quay lưng lại với than đá và đang buộc phải sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này để tránh bị cắt điện.

Tình hình năng lượng căng thẳng ở Ấn Độ cũng góp phần làm tăng giá than trên thị trường thế giới, bởi những lo ngại rằng việc không có đủ nhiên liệu để cung cấp cho các nhà máy điện vận hành sẽ dẫn đến tình trạng mất điện diện rộng. 

Kết quả là trên thị trường quốc tế, giá than đã tăng vọt. Nếu như năm 2020, giá than đã từng giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/tấn tại cảng Newcastle của Australia và luôn chỉ dao động quanh mức giá này suốt thời gian qua, thì giờ đây giá mặt hàng này mới đây đã tăng lên hơn 220 USD/tấn, một mức cao kỷ lục.

Xu hướng tương tự cũng xảy ra ở châu Âu tại các cảng Amsterdam, Rotterdam và Antwerp, tại đó các hợp đồng mua bán hiện đang được tính với mức giá 213 USD/tấn.

Tại Trung Quốc, giá than cũng đang leo thang. Trên thị trường ở Trịnh Châu (Zhengzhou) tỉnh Hà Nam, 1 tấn than có giá 1.436 nhân dân tệ (tương đương khoảng 220 USD), cũng là một mức cao kỷ lục. 

Giải thích về hiện tượng này, báo cáo hàng quý mới nhất của Bộ Năng lượng, Tài nguyên và Công nghiệp Australia cho biết: "Nhập khẩu than dùng cho các nhà máy điện than của Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19. Nguồn cung trong nước đang không đáp ứng được nhu cầu". 

Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng mức tiêu thụ than của Trung Quốc cao như vậy là bởi mùa Đông khắc nghiệt vừa qua lại được tiếp nối với một mùa Hè nóng hơn bình thường.

Nhu cầu sưởi ấm và sau đó là sử dụng điều hòa nhiệt độ đã cao hơn thường lệ. Thêm vào đó, sự phục hồi của các hoạt động sản xuất sau khi tình hình dịch COVID-19 đã bớt căng thẳng. 

Trung Quốc nhập khẩu phần lớn than từ Indonesia. Nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới này cũng đã phải vật lộn với những trận mưa lớn để đáp ứng nhu cầu của Bắc Kinh.

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng, Tài nguyên và Công nghiệp Australia, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra cũng như những hạn chế không chính thức đối với việc mua than của Australia cũng đã "khuếch đại" đà tăng giá hiện nay. 

Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là không để bị cắt điện. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, ít nhất một nửa số nhà máy điện cũng đang trong tình trạng báo động cao.

Các nhà phân tích của Citigroup cảnh báo rằng sự sụt giảm dự trữ than ở Ấn Độ không nhiều, nhưng cũng là yếu tố khiến giá của thị trường quốc tế tăng cao. 

Ấn Độ hiện phụ thuộc 70% vào than để sản xuất điện, nhưng chỉ còn có 4 ngày dự trữ, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 14 ngày trước đây.

Các mỏ bị ngập lụt và cơ sở hạ tầng giao thông bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến sản xuất nội địa. Ấn Độ cũng đã buộc phải nhập khẩu nhiều than hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục