Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào thị trường bất động sản tại Việt Nam

11:41' - 14/04/2020
BNEWS Các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị nhiều dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuyên gia nhận định, lĩnh vực bất động sản nhà ở chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài; trong đó lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các giao dịch bất động sản với khách nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị nhiều dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi. Trên thực tế, các nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản vẫn còn thấp so với khu vực.

Nhận định về bức tranh tổng quan tình hình đầu tư bất động sản tại Việt Nam thời gian vừa qua, Tiến sỹ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận xét, hiện đang là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.

Mặc dù vậy, đối với một bộ phận nhóm cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản không chỉ trong và ngoài nước thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.

Với tư cách là đơn vị tư vấn các thương vụ đầu tư M&A (mua bán, sáp nhập) lớn trên thị trường, Savills Việt Nam nhận xét, vẫn nhận thấy sự quyết tâm cao độ của những nhóm đầu tư này. Theo khảo sát của Savills Việt Nam, từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỷ USD.

Thời gian qua, để tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một loạt các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã được ban hành như giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Thêm vào đó, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng được đưa ra nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư… Đây là những trợ lực quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sau đại dịch,. Bởi vậy, sẽ có nhiều nhà đầu tư nắm bắt cơ hội này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục