Những kinh nghiệm quá khứ trong đàm phán ngoại giao Mỹ-Triều

05:30' - 30/05/2018
BNEWS Đường hướng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong đàm phán với Triều Tiên là "không lặp lại những sai lầm của những chính quyền trước đây".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ The Hill đăng bài phân tích về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim của Frank Aum - cựu cố vấn cấp cao về vấn đề Triều Tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2012-2017, hiện là chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ. 

Nhà Trắng đưa ra hai nguyên tắc nhằm tránh vấp phải những sai lầm trong nỗ lực ngoại giao như Thỏa thuận khung năm 1994 và các cuộc đàm phán 6 bên vốn kéo dài nhiều năm, làm chậm lại nhưng chưa bao giờ chấm dứt được các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên:

Một là, Mỹ sẽ không giảm bớt những biện pháp trừng phạt với Triều Tiên cho đến khi Triều Tiên có những bước đi rõ ràng hướng tới phi hạt nhân hóa. Hai là, Mỹ sẽ không chấp nhận quá trình đàm phán kéo dài để Triều Tiên vừa nhận được sự nhượng bộ, vừa có thể câu giờ.

Một số nhà phân tích cũng khẳng định rằng Washington thường nới lỏng áp lực quá sớm. Dưới đây là những sai lầm Mỹ nên tránh:

Thứ nhất, nội bộ chính quyền Mỹ phải thống nhất. Sự phối hợp lỏng lẻo trong nội bộ chính quyền làm suy giảm những tiến triển ngoại giao. Tháng 9/2005, việc Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt một ngân hàng Macau và đóng băng tài khoản 25 triệu USD của Triều Tiên tại ngân hàng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thỏa thuận phi hạt nhân hóa mang tính đột phá mà Bộ Ngoại giao Mỹ đàm phán với Bình Nhưỡng vài ngày sau đó. Thậm chí cho tới giờ, những thông điệp không nhất quán của các quan chức chính quyền Mỹ về các biện pháp phi hạt nhân hóa vẫn có thể khiến cuộc gặp Trump-Kim bị trì hoãn.

Thứ hai, tránh những thỏa thuận mơ hồ. Những thỏa thuận trước đây với Triều Tiên đổ vỡ do Mỹ thiếu chú ý đến các chi tiết. Trong Thỏa thuận Ngày nhuận (Leap Day Deal) được ký năm 2012, các nhà đàm phán của chính quyền Obama tuyên bố các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên nằm trong khuôn khổ quy định về việc đóng băng các vụ thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, điều này lại không được ghi vào văn bản thỏa thuận, khiến Bình Nhưỡng tìm ra kẽ hở và thực hiện một vụ phóng vệ tinh sau đó. 

Tương tự, Thỏa thuận khung năm 1994 đề cập đến việc phá hủy lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon của Triều Tiên, nhưng không nhắc tới hoạt động làm giàu uranium. Triều Tiên sau đó âm thầm phát triển chương trình làm giàu uranium vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân - điều đi ngược lại với tinh thần thỏa thuận đã ký, nhưng về mặt kỹ thuật không vi phạm thỏa thuận này.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, sẽ có rất nhiều vấn đề mơ hồ, nhập nhằng, chẳng hạn như phạm vi phi hạt nhân hóa và khả năng xác thực, nên các quan chức Mỹ sẽ phải đảm bảo mọi câu chữ trong thỏa thuận phải đầy đủ và chính xác. Bất cứ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào trước tiên đều phải bao gồm các biện pháp kiểm chứng.

Thứ ba, đảm bảo sự ủng hộ từ cả hai đảng. Những bất đồng về chính sách với Triều Tiên giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng như những khác biệt giữa các chính quyền đã ảnh hưởng tới khả năng tuân thủ cam kết của Mỹ. Hai tuần sau khi Thỏa thuận khung năm 1994 được ký, đảng Cộng hòa kiểm soát được Quốc hội và biến thỏa thuận này thành "trẻ mồ côi chính trị".

Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối chi ngân sách cho các chuyến tàu chở dầu tới Triều Tiên được quy định trong thỏa thuận. Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc Mỹ liên tiếp trì hoãn các chuyến tàu chở dầu cùng những hành động chậm chạp khác đã thúc đẩy Triều Tiên thực hiện chương trình làm giàu uranium bí mật của họ.

Nếu chính quyền Trump muốn đạt được một thỏa thuận bền vững, họ cần phải tìm cách đảm bảo sự ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Để tăng cơ hội thỏa thuận này tồn tại lâu dài qua các chính quyền tiếp theo, Nhà Trắng cần biến nó thành một hiệp định được Thượng viện phê chuẩn, chứ không chỉ dừng lại ở một thỏa thuận hành pháp có thể dễ dàng bị hủy bỏ giống như thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thứ tư, sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết các xung đột. Năm 2002, phát hiện chương trình làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên, chính quyền Bush lập tức coi đây là cái cớ để hủy Thỏa thuận khung đã ký. Triều Tiên phản ứng bằng cách tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003 và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.

Trong cuộc đàm phán lần này, Mỹ và Triều Tiên cần thống nhất về cơ chế giải quyết bất đồng để ngăn chặn nguy cơ các bên rút khỏi thỏa thuận một cách dễ dàng và đảm bảo các trụ cột của thỏa thuận vẫn được giữ vững.

Thứ năm, quan tâm nhiều hơn tới vấn đề Triều Tiên. Các Tổng thống Mỹ trước đây đều coi Triều Tiên chỉ là mối quan tâm an ninh hạng ba. Chính quyền Bill Clinton đầu tư rất ít vốn liếng chính trị để thực thi Thỏa thuận khung, thay vào đó chỉ hy vọng vào sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên. Chính quyền Bush cũng quá tập trung vào việc ngăn chặn Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt mà không chú ý tới những bằng chứng ngày càng nhiều về chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Thứ sáu, phối hợp trực tiếp với Triều Tiên trước tiên. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc Washington nên đàm phán với Bình Nhưỡng song phương hay theo một hình thức đa phương. Cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 1994 đã đặt nền tảng để hai nước đi tới Thỏa thuận khung. Tuy nhiên, chính quyền Bush lại khước từ hình thức gặp song phương này, cho rằng nó phớt lờ quan điểm của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Việc nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và làm sao để tránh những sai lầm đó là rất quan trọng đối với Mỹ khi đàm phán với Triều Tiên, giúp gia tăng cơ hội có thể đạt được một thỏa thuận lâu dài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục