Những “lỗ hổng” trong xây dựng đô thị của Trung Quốc

06:30' - 13/08/2021
BNEWS Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, trong đó mưa lớn bất thường là một trong những hiện tượng nổi bật nhất.

 

Gần 20 năm trở lại đây, xác suất xảy ra sự kiện mưa lớn bất thường của Trung Quốc đã tăng trên 20%. Trận mưa lớn hiếm thấy cuối tháng Bảy vừa qua ở Hà Nam đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, cơn bão In-Fa đổ bộ vào Thượng Hải và Chiết Giang sau đó khiến hàng triệu người phải sơ tán khẩn cấp. Hiện tượng thời tiết cực đoan ở Trung Quốc tiếp tục tăng lên, và một câu hỏi quan trọng nổi cộm trong các trận bão lũ vừa qua là liệu các đô thị lớn của Trung Quốc đã làm tốt việc ứng phó với mưa bão bất thường hay chưa? 

Hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn…

Các học giả cảnh báo rằng đứng trước đề bài khó khăn từ hiện tượng thời tiết cực đoan, Trung Quốc vẫn còn nhiều việc cần làm. Hiện tượng thời tiết mưa bão tăng đột biến sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước của các đô thị. Do đó Chính phủ Trung Quốc nên tập trung giải quyết hai tồn đọng lớn là cảnh quan thiên nhiên bị hủy hoại trong quy hoạch đô thị, cũng như hệ thống thoát nước lạc hậu.  

Với diện tích rộng lớn, Trung Quốc hứng chịu sự tấn công trực tiếp của biến đổi khí hậu ở quy mô lớn hơn. Báo cáo nghiên cứu do Tạp chí “Khoa học thông tin không gian địa lý, thiên tai và rủi ro” công bố năm 2019 cho thấy trong số 539 trạm khí tượng được các nhóm nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc tiến hành từ năm 1960 đến năm 2010, có 65% xuất hiện tình trạng tổng lượng mưa và lượng mưa bất thường hàng năm liên tục gia tăng. Những khu vực này chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam và Tây Bắc của Trung Quốc. 

Bên cạnh đó cũng có nghiên cứu ước đoán rằng các trận mưa bão diễn ra trong thời gian ngắn, siêu cấp sẽ tiếp tục tăng lên, khu vực Bắc bộ vốn tương đối khô hạn thì tình hình mưa bão cũng sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên. 

Trong thập niên 1960, xác suất xảy ra tình trạng mưa lớn bất thường là khoảng 10-15%, nhưng con số này đã tăng lên hơn 20% trong gần 20 năm trở lại đây. Cùng với đó, thiệt hại lũ lụt gây nên từ thời tiết mưa bão cũng tăng lên tương ứng.

Theo hãng tin về tài chính và kinh doanh Jiemian News, trong 10 năm qua, Trung Quốc là quốc gia xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai lũ lụt nhất trên toàn cầu. Từ năm 2011-2020, tổng cộng đã xảy ra 96 trận lũ lụt, số người bị ảnh hưởng lên đến 240 triệu người, chiếm gần một nửa tổng số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên toàn cầu, đồng thời cũng là quốc gia duy nhất có số người chịu ảnh hưởng vượt con số 100 triệu. 

… làm lộ rõ những lỗ hổng trong xây dựng đô thị

Hiện tượng thời tiết cực đoan vào mùa lũ trong mùa Hè năm nay đặc biệt nổi bật. Vào tháng 5/2021, Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc đã dự báo nguy cơ thiên tai hạn hán và lũ lụt mang tính khu vực và giai đoạn của năm nay là rất rõ ràng, ngay cả địa phương có thời tiết thường xuyên khô hanh như Bắc Kinh thì lượng mưa năm nay cũng cao hơn bình thường từ 10-20%.  

Trong khi đó, sự cố tàu điện ngầm ngập nước và đường hầm Kinh Quảng chìm trong nước do thiên tai, lũ lụt gây ra ở Trịnh Châu, Hà Nam vừa qua khiến cho hiệu quả thoát nước và phòng ngừa lũ lụt trong điều kiện thời tiết cực đoan của các đô thị Trung Quốc nhận được sự quan tâm cao độ của cộng đồng xã hội. Trong bối cảnh xu hướng biến đổi khí hậu không thể đảo ngược, thời tiết mưa bất thường sẽ ngày càng diễn ra thường xuyên, thậm chí có thể trở thành trạng thái bình thường. 

Phó Giáo sư Khổng Phong thuộc Học viện Nhân văn và Phát triển Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về quản trị rủi ro biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp, cho rằng đợt lũ lụt ở Trịnh Châu lần này giống như một bài kiểm tra về thể trạng đô thị, trong đó, phơi bày hai tồn đọng lớn trong xây dựng đô thị và hệ thống thoát nước của Trung Quốc. Đó là các cảnh quan thiên nhiên dùng để hấp thụ nước bị hủy hoại và hệ thống thoát nước lạc hậu.   

Theo lý giải của Giáo sư Khổng Phong, trong quá trình phát triển đô thị, bố cục của một số cảnh quan thiên nhiên hấp thụ nước mưa tại chỗ của Trung Quốc, bao gồm hệ thống sông cổ đã bị hủy hoại, đã làm suy yếu năng lực xử lý ngập úng trong nội đô.

Hơn nữa, khi thi công các công trình giao thông như tàu điện ngầm, do không tính toán đến sự thay đổi của xu hướng mưa, dẫn đến một số đầu mối giao thông như nhà ga tàu điện ngầm và cầu vượt ngầm xây dựng ở các khu vực trũng thấp dễ bị đọng nước, nên khi gặp mưa bão, vận hành của đô thị càng dễ bị ảnh hưởng.   

Giáo sư Khổng Phong lấy sự kiện thiên tai mưa bão gây ngập lụt đặc biệt lớn ở Bắc Kinh vào ngày 21/7/2012 làm minh chứng. Khi đó, có đến 63 điểm ngập nước nghiêm trọng đều là những địa điểm đã thay đổi bố cục mạng lưới sông hồ vốn có trong quá trình xây dựng đô thị.  

Cùng với việc quy mô đô thị liên tục mở rộng, bề mặt không thẩm thấu nước cũng tăng lên đáng kể, khiến diện tích trồng cây và công viên của đô thị giảm xuống, sông hồ cũng thu hẹp. Điều này khiến không gian lưu trữ nước mưa của đô thị sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, thành phố Vũ Hán nơi có tình trạng ngập úng đô thị nghiêm trọng, hiện nay chỉ còn 38 ao hồ so với con số 127 vào thời kỳ đầu xây dựng Trung Quốc. 

Xây dựng đô thị đã làm thay đổi quá trình thủy văn của đô thị, khiến việc thẩm thấu bề mặt suy giảm, đẩy nhanh tốc độ dòng chảy, đỉnh lũ của đô thị diễn ra sớm hơn. Điều này cũng có nghĩa là một khi xuất hiện thời tiết mưa bão, tình trạng ngập lụt sẽ nhanh chóng xảy ra.  

Giáo sư Khổng Phong cho rằng trong bối cảnh phần lớn cơ sở hạ tầng đã xây dựng xong, Trung Quốc không có nhiều khả năng thay đổi trên quy mô lớn hệ thống thoát nước đô thị. Vấn đề chính phủ có thể làm là ở những khu vực phát triển mới, cần tính toán cẩn thận yêu cầu đường ống thoát nước trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Đối với hệ thống đường ống hiện có, cần phải tiến hành đánh giá rủi ro và bảo trì mang tính hệ thống và thường xuyên, bao gồm việc bố trí máy bơm ở những khu vực có áp lực thoát nước cao, không đợi đến khi xảy ra tắc nghẽn mới thay đổi đường ống.    

Kể từ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” (2016-2020) đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã gia tăng đầu tư đáng kể đối với các công trình thủy lợi. Tổng đầu tư xây dựng thủy lợi trong thời gian “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” tăng 57% so với “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”, đầu tư xây dựng thủy lợi năm 2020 đạt kỷ lục từ trước đến nay với 770 tỷ nhân dân tệ (107,92 tỷ USD). Tháng 1/2021, Bộ Thủy lợi Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng 150 công trình thủy lợi lớn.  

Trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay, việc thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu chủ yếu vẫn xuất phát từ những cân nhắc về kinh tế và hình tượng quốc tế. Thời gian tới, nếu những vấn đề đang tồn tại có sự điều chỉnh, điều này sẽ là một tiêu chí đánh dấu sự thay đổi về ý thức xanh của chính phủ và người dân Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục