Những rủi ro của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế Ấn Độ

06:30' - 26/06/2021
BNEWS Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giai đoạn từ 2020-2022 có thể chỉ đạt 0% hoặc thậm chí âm. Điều này diễn ra ngay sau suy thoái kinh tế trong vòng 3 năm trước khi dịch bệnh bùng phát.

Theo tạp chí Diplomat của Mỹ, đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân Ấn Độ, với sự tàn phá kinh tế khủng khiếp của làn sóng lây nhiễm thứ hai. Sự bất ổn gia tăng đã làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giai đoạn từ 2020-2022 có thể chỉ đạt 0% hoặc thậm chí âm. Điều này diễn ra ngay sau suy thoái kinh tế trong vòng 3 năm trước khi dịch bệnh bùng phát.

Với các khoản đầu tư và hoạt động thương mại yếu kém, nền kinh tế Ấn Độ chủ yếu dựa vào lĩnh vực tiêu dùng.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai làn sóng lây nhiễm COVID-19. Báo cáo hàng tháng mới nhất của Cục Quản lý Doanh thu (DRI) của Ấn Độ đã xác định các rủi ro đối với nền kinh tế Ấn Độ trong ngắn hạn và trung hạn, sau khi xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế sau tác động của đại dịch.

* Rủi ro ngắn hạn 

Đầu tiên, làn sóng lây nhiễm thứ ba có thể xảy ra và khiến nền kinh tế Ấn Độ gặp thách thức nghiêm trọng. Các chuyên gia lo ngại về sự xuất hiện của các chủng virus mới và nguy hiểm hơn, đòi hỏi Ấn Độ phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.

Kịch bản này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm sút và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Một vấn đề phức tạp hơn là liệu người tiêu dùng và các hộ gia đình ở Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào khi kết thúc làn sóng lây nhiễm thứ hai?

Rủi ro thứ hai là áp lực đối với khu vực ngân hàng.Tác động tiềm ẩn của đại dịch, đặc biệt nếu xuất hiện làn sóng thứ ba, đối với lĩnh vực ngân hàng vốn đã rất khó khăn của Ấn Độ cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Các chuyên gia lo ngại một làn sóng phá sản mới sẽ tạo thêm thách thức đối với các ngân hàng thương mại và lộ trình trả nợ vay có thể bị trì hoãn hơn nữa.

Khu vực tài chính phi ngân hàng của Ấn Độ, thường cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các đợt phong tỏa, cũng có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Ngoài ra, áp lực đối với các tổ chức tài chính vi mô có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng.

Một thách thức khác là sự không chắc chắn về chính sách. Kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2014, Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện một số chính sách mạnh mẽ nhưng chưa chuẩn bị để ứng phó với tất cả các tác động.

Quyết định đột ngột của ông Modi năm 2016 loại bỏ 86% tiền giấy Ấn Độ với thông báo trước chỉ vài giờ cho công chúng hay việc đột ngột áp đặt phong tỏa toàn quốc trong đợt lây nhiễm đầu tiên vào năm ngoái đã không tính toán đầy đủ về các thiệt hại kinh tế và xã hội. 

Sự bất ổn về mặt chính sách vẫn hiện hữu ở Ấn Độ, điều này một lần nữa được thể hiện rõ ràng với chính sách tiêm chủng của ông Modi trong vài tháng qua, và khiến các nhà đầu tư khu vực tư nhân e ngại.

Mặt khác, các kế hoạch đầu tư của khu vực tư nhân cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi các hành vi của người tiêu dùng. Các chuyên gia lưu ý rằng ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ hai đối với người tiêu dùng sẽ trở nên rõ ràng trong quý II/2021.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lạm phát có thể gia tăng do sự gián đoạn nguồn cung cũng như tác động từ bên ngoài như việc Mỹ in thêm tiền để kích thích nền kinh tế số 1 thế giới.

Ngoài ra, nếu chính quyền trung ương và các bang ở Ấn Độ tiếp tục mở rộng chương trình hỗ trợ tiền mặt, thì cũng tạo ra nguy cơ làm gia tăng áp lực lạm phát.Các chuyên gia cho rằng, không thể loại trừ kịch bản tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao.

* Rủi ro trung hạn 

Về trung hạn (khoảng thời gian từ 3-5 năm), đại dịch COVID-19 có thể khiến cuộc khủng hoảng việc làm trở nên trầm trọng hơn. Điều này ngăn cản Ấn Độ khai thác những lợi ích từ nhân khẩu học thuận lợi của nước này.Với nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn, các cải cách và điều chỉnh thị trường việc làm vẫn không khả thi cả về mặt kinh tế và chính trị.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rủi ro từ sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật số ngày càng tăng trong nước, ảnh hưởng của đại dịch đối với hệ thống giáo dục của Ấn Độ, cũng như các tác động tích lũy đối với việc làm và sinh kế.

Rủi ro thứ hai là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Năm ngoái, Thủ tướng Modi đã công bố một chiến dịch đầy tham vọng “Ấn Độ tự cường”, mà nhiều chuyên gia lo ngại sẽ làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của Ấn Độ. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, việc tăng cường các biện pháp bảo hộ có thể gây thiệt hại cho thương mại quốc tế của Ấn Độ.

Nếu căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc - đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ - tiếp tục gia tăng, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên suy giảm. Trong khi đó, New Delhi tiếp tục gặp khó khăn trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn của phương Tây.

Cuối cùng, nguy cơ thứ ba là triển vọng tài khóa tồi tệ hơn.Tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Ấn Độ tiếp tục tăng, ở mức khoảng 90% GDP vào tháng Tư năm nay.Đồng thời, Ấn Độ không có khả năng kiểm soát thâm hụt tài khóa của mình và tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai có thể gây ra nhiều quan ngại.

Tình hình tài chính của chính phủ trung ương cũng có thể bị ảnh hưởng do chi phí của chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phổ cập. Ngoài ra, việc tiếp tục giảm thuế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng có thể khiến tình hình căng thẳng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục