Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics

12:11' - 20/12/2018
BNEWS Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics Việt Nam có thể kể đến như: hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, chưa phát triển tương xứng
Xây dựng năng lực cạnh tranh cho logistics Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo “Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ”.
Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến, giúp Bộ Công Thương thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; trong đó, có nhiệm vụ vận động, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tại khu vực châu Âu, châu Mỹ,
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, bờ biển dài hơn 3.000 km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, về thực tế, hiện đa số doanh nghiệp logsitics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics Việt Nam có thể kể đến như: hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ. Thứ hai là quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa.
Thứ ba là vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ. Thứ tư là sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics. Cuối cùng là việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau. Đây là những nguyên nhân cản trở sự phát triển bền vững của doanh nghiệp logistics nội địa và đẩy chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao.
Ông Linh cho rằng, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quản lý mang tính vĩ mô; trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistic ở châu Âu, châu Mỹ.
Ngày 3/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg. Để khuyến khích vận chuyển đa phương thức và xử lý hàng hóa, cần hỗ trợ Trung tâm logistics bằng nhiều phương thức vận chuyển như: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải như dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ.
'Bài học kinh nghiệm từ các nước lớn, nước ta cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho nó trong hàng chục năm tới như thế nào. Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu để thu hút đầu tư...", ông Thành khuyến nghị.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, điều quan trọng là Trung tâm logistics phải được quản lý như một cơ quan pháp lý duy nhất và trung lập, cần phải đảm bảo sự hợp tác đồng bộ và hợp tác thương mại. Cùng đó, cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, nhất là các khâu kiểm tra chuyên môn, chuyên ngành.
Cuối cùng, một Trung tâm logistics phải đạt được các tiêu chuẩn và hiệu suất chất lượng tương đương của châu Âu để cung cấp các giải pháp vận chuyển thương mại mang tính toàn cầu và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục