Phát triển công nghiệp của Hà Nội đang có xu hướng chững lại

18:32' - 04/01/2019
BNEWS Phát triển công nghiệp của Hà Nội đang có xu hướng chững lại, so với cả nước đã có sự sụt giảm, cho nên để ngành công nghiệp tiếp tục tăng lên là rất khó do các khu công nghiệp đã được lấp đầy.
Dây chuyền sản xuất pin R20 của Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương thành phố ngày 4/1.
Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp để đưa Phát triển công nghiệp của Hà Nộicác hộ kinh doanh ra sản xuất, giải quyết vấn đề về hạ tầng, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều khó khăn. Hà Nội cũng đề nghị với Bộ Công Thương cần có hướng dẫn rõ hơn quy trình lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các cụm công nghiệp này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cần rà soát lại các quy định pháp luật để tham mưu, báo cáo với thành phố kịp thời. Đối với các quận, huyện phải lựa chọn được các chủ đầu tư có năng lực để thực hiện, nhất là trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm.
Theo cáo cáo của Sở Công Thương Hà Nội năm 2018, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 20 chỉ tiêu, vượt kế hoạch 9 chỉ tiêu, vượt sớm 3 chỉ tiêu; chỉ tiêu xuất nhập khẩu tăng 21,6%, vượt xa chỉ tiêu đặt ra, kim ngạch xuất khẩu khối kinh tế tư nhân tăng trưởng tốt, đặc biệt chỉ tiêu thu ngân sách vượt 2,52%.

Trong năm 2018, cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố khá ổn định, hàng hóa dồi dào, giá cả được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Năm 2018, giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ tăng 7,23%, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung do có cơ cấu lớn (57,6%); Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra doanh thu dịch vụ đạt 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 9,5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 509 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 306,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm từ 2016-2018 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 9,63%; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trung bình 12,43%/năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2018 tăng 4,22%. CPI tăng diễn ra chủ yếu từ tháng 7/2018 và do tăng giá ở các nhóm hàng vận tải, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế, lương thực.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cả năm 2018 đạt 14,23 tỷ USD, tăng 21,6%, vượt chỉ tiêu được giao (tăng 7,5-8%).
Năm 2019, ngành công thương Thủ đô đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt từ 130.000 - 130.300 tỷ đồng, tăng 8,6 - 8,8% so với năm 2018; Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 15,66 - 15,73 tỷ USD, tăng 7,5 - 8% so với năm 2018. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt từ 554,7 - 559,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9 – 10% so với năm 2018; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 357,7 - 361 nghìn tỷ đồng, tăng 12 - 13% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng chú trọng thực hiện 8 chương trình của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2020, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Đồng thời, chủ động tạo thêm nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Xem thêm:

>>250 doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội

>>Hà Nội không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trong dịp Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục